Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hướng dẫn mới của Liên hợp quốc nhằm đẩy nhanh viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên

2018-08-09

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS News

Vào ngày 6/8 (theo giờ địa phương), Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một hướng dẫn mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, trong khi tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt với nước này. Hãy cùng lắng nghe ông Oh Gyeong-seop, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, phân tích về tầm quan trọng của hướng dẫn mới lần đầu tiên được Liên hợp quốc thông qua này.


Hướng dẫn mới của Liên hợp quốc khuyến cáo các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ mong muốn viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên phải nộp đơn đề nghị miễn trừ cấm vận. Đơn này phải giải thích ai sẽ được hưởng viện trợ nhân đạo và làm rõ các tiêu chuẩn để được nhận viện trợ. Trong đơn, các đơn vị đề nghị cũng cần nói rõ số lượng hàng hóa họ dự định cung cấp trong vòng sáu tháng sau đó, thời gian và lộ trình vận chuyển hàng theo dự kiến. Các đơn vị này cũng được yêu cầu làm rõ các biện pháp cấm vận về tài chính liên quan tới việc vận chuyển hàng hóa, đưa ra phụ lục danh sách các hàng hóa sẽ cung cấp cho miền Bắc. Ngoài ra, họ phải đưa ra các biện pháp để mặt hàng hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích tại Bắc Triều Tiên.


Nếu các nhóm viện trợ và các tổ chức quốc tế nộp đơn đề nghị miễn trừ cấm vận có đủ 10 hạng mục cụ thể phù hợp với hướng dẫn mới, Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ xử lý các hồ sơ sớm nhất có thể. Dường như hướng dẫn này là nhằm đẩy nhanh viện trợ nhân đạo cho miền Bắc mà không vi phạm các lệnh trừng phạt với nước này.


Đây là lần đầu tiên Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thông qua một hướng dẫn liên quan tới viện trợ nhân đạo cho miền Bắc. Trước đây, từng nhóm viện trợ thường liên lạc với Ủy ban này để được xem xét việc hỗ trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên. Quá trình này rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Nhưng hướng dẫn mới đã đề ra các tiêu chuẩn cụ thể mà tôi đánh giá là rất quan trọng. Việc chuyển hàng hóa nhân đạo cho Bắc Triều Tiên đã bị đình lại một thời gian dài do các lệnh cấm vận nước này của Liên hợp quốc, và các quốc gia hay tổ chức đều phải nộp giấy tờ và tự mình vận chuyển hàng hóa. Nhưng giờ đây tất cả các thủ tục đã được đơn giản hóa, khiến những người cung cấp viện trợ dễ dàng gửi hàng hóa tới miền Bắc.


Theo Liên hợp quốc, khoảng 10,6 triệu người trên tổng số 25 triệu dân của Bắc Triều Tiên cần được nhận hàng viện trợ nhân đạo. Do nạn thiếu hụt lương thực triền miên ở nước này, hơn 25% trẻ em tại đây phát triển còi cọc. Bởi các lệnh cấm vận mạnh mẽ, viện trợ nhân đạo quốc tế cho miền Bắc đã sụt giảm trong những năm gần đây, trong khi việc chuyển hàng hóa viện trợ cho nước này đã bị đình lại từ lâu. May mắn thay, viện trợ quốc tế cho Bình Nhưỡng được kỳ vọng sẽ trở lại đúng tiến độ theo sau hướng dẫn mới của Liên hợp quốc. Một tín hiệu tích cực nữa chính là động thái này rất có thể sẽ khiến quan hệ Mỹ-Triều cải thiện mau chóng, bởi hướng dẫn trên là do phía Mỹ soạn thảo.


Washington đã nói rõ sẽ không giảm nhẹ cấm vận với Bình Nhưỡng chừng nào việc phi hạt nhân hóa miền Bắc có tiến triển. Tuy nhiên, trong một biện pháp mang tính hòa giải cao, Mỹ đã mở đường để các chính phủ và tổ chức quốc tế có thể cung cấp viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên một cách minh bạch. Tôi cho rằng Washington đã vô cùng lo ngại nếu người dân miền Bắc phải hứng chịu thiệt hại do các lệnh trừng phạt. Mỹ đã soạn thảo hướng dẫn trên trong một động thái rõ ràng, tránh để cấm vận khiến đời sống của người dân miền Bắc gặp khó khăn.


Trước đó, Mỹ đã không linh hoạt với yêu cầu của Bắc Triều Tiên là giảm nhẹ các lệnh cấm vận, nhưng giờ đây Washington đã quyết định xúc tiến quá trình viện trợ nhân đạo cho miền Bắc. Theo sau quyết định này, viện trợ của Hàn Quốc cho miền Bắc đang được kỳ vọng sẽ mở rộng. Một làn gió đối ngoại ấm áp đang thổi vào quan hệ liên Triều thời gian gần đây, nhờ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4 và trao đổi song phương trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa nối lại viện trợ nhân đạo cho miền Bắc, xuất phát từ lo ngại rằng viện trợ của Seoul giữa bối cảnh cấm vận quốc tế có thể phá hỏng sức ép phối hợp lên Bình Nhưỡng. Do đó, động thái vừa qua của Liên hợp quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Chính phủ Hàn Quốc quyên góp các khoản quỹ cho các tổ chức quốc tế - một kế hoạch mà Seoul đã trì hoãn gần một năm qua.


Vào tháng 9 năm ngoái, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cung cấp viện trợ cho Bắc Triều Tiên trị giá 8 triệu USD, bao gồm các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, thông qua Chương trình lương thực thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đã hoãn thi hành kế hoạch này do các chỉ trích ngày một lớn của dư luận trước các hành động khiêu khích của miền Bắc. Nhưng các bước phát triển ngoại giao tích cực đã diễn ra trong năm nay, như Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 27/4, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều 12/6, và gần đây nhất là hướng dẫn mới của Liên hợp quốc về viện trợ cho miền Bắc. Nếu Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên của Liên hợp quốc chấp nhận đơn đề nghị miễn trừ cấm vận của Hàn Quốc, trong đó giải thích đầy đủ về kế hoạch viện trợ trị giá 8 triệu USD, Seoul sẽ có thể nối lại viện trợ nhân đạo cấp Nhà nước cho Bình Nhưỡng. Tôi cho rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ sớm xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.


Nếu cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Hàn Quốc, xúc tiến việc nối lại viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, thái độ của Bình Nhưỡng sẽ linh hoạt và mềm dẻo hơn. Viện trợ nhân đạo đương nhiên sẽ hỗ trợ cho đời sống của người dân miền Bắc, hơn nữa Bình Nhưỡng có thể nhìn nhận hướng dẫn vừa qua của Liên hợp quốc do Mỹ đề xuất như một cử chỉ cầu thị. Đài CBS của Mỹ đã mô tả hướng dẫn mới của Liên hợp quốc như một nhành ô-liu nhỏ chìa ra với Bắc Triều Tiên. Cử chỉ hòa giải vừa qua của Washington đang làm dấy lên hy vọng về sự cải thiện trong quan hệ Mỹ-Triều. Chúng ta cần chờ đợi và dõi xem liệu sức đẩy tích cực này sẽ giúp mang lại một bước tiến lớn trong việc phi hạt nhân hóa miền Bắc hay không.

Lựa chọn của ban biên tập