Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Seoul và Washington công bố nội dung sửa đổi FTA Hàn-Mỹ

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-09-10

ⓒ YONHAP News

Nội dung sửa đổi FTA Hàn-Mỹ


Ngày 3/9 (theo giờ Hàn Quốc), Seoul và Washington đã công bố nội dung sửa đổi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ, bao gồm tám tài liệu (tức văn bản sửa đổi, bản hướng dẫn của ủy ban sửa đổi chung về phương thức sửa đổi các thỏa thuận thương mại song phương). Mỹ đã kêu gọi sửa đổi hiệp định sáu năm tuổi này khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích, cáo buộc FTA Hàn-Mỹ là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Theo đó, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành ba vòng đàm phán sửa đổi FTA song phương, trong đó hai bên đã cơ bản đạt được sự nhất trí về mặt quan điểm tại vòng đàm phán vào tháng 3 vừa qua. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Tiến sĩ Kim Hyung-joo thuộc Viện nghiên cứu kinh tế LG, sẽ phân tích rõ hơn về nội dung sửa đổi của FTA Hàn-Mỹ vừa được tiết lộ.


Ngay trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã thường xuyên bày tỏ sự bất mãn đối với FTA Hàn-Mỹ, cho rằng thỏa thuận này đã dẫn đến sự mất cân bằng thương mại đáng kể giữa hai nước. Cụ thể, ông Trump cáo buộc FTA Hàn-Mỹ đã khiến thâm hụt thương mại trong ngành ô tô của Mỹ trở nên trầm trọng hơn. Một nội dung sửa đổi đáng chú ý khác là những thay đổi liên quan đến “cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư” (ISDS). Cụ thể, Hàn Quốc đã khiếu nại với Mỹ về việc tiến trình giải quyết tranh chấp theo cơ chế ISDS hiện nay đang diễn ra theo hướng quá thiên vị cho các doanh nghiệp của Mỹ. Do đó, hai bên đã nhất trí bổ sung các điều khoản cụ thể, nhằm tránh các vụ kiện không cần thiết trong tương lai. 


Thách thức từ việc lạm dụng cơ chế ISDS của các doanh nghiệp nước ngoài


Theo những nội dung sửa đổi mới nhất của FTA Hàn-Mỹ, Seoul đã lựa chọn bảo vệ ngành nông nghiệp và ngành thép, đồng thời chấp nhận một số nhượng bộ trong ngành công nghiệp ô tô. Ngoài ra, Seoul cũng đã đạt được thành công đáng kể khi Washington chấp thuận những đề xuất liên quan đến “cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước tiếp nhận đầu tư” (ISDS), bởi đây vốn luôn được xem là “cái gai nhức nhối” đối với Hàn Quốc. Ông Kim Hyung-joo giải thích. 


Trong quá khứ, Mỹ và các doanh nghiệp nước ngoài khác đã lợi dụng FTA Hàn-Mỹ hay FTA Hàn-Liên minh châu Âu (EU) để thực hiện các hành vi pháp lý không cần thiết đối với Chính phủ Hàn Quốc. Với nội dung sửa đổi lần này, việc lạm dụng vai trò của hệ thống trọng tài kinh tế sẽ được ngăn chặn. Cụ thể, một nhà đầu tư nước ngoài, nếu đã tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp với Chính phủ Hàn Quốc thông qua FTA, thì sẽ không được phép lặp lại động thái trên qua một hiệp định đầu tư với một quốc gia khác về cùng một vụ việc. Cùng với đó, các doanh nghiệp nộp đơn kiện sẽ phải cung cấp bằng chứng thiệt hại cụ thể, thay vì yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc chứng minh việc không gây thiệt hại cho công ty đó hoặc không can thiệp chính sách như điều khoản hiện hành. Với sự thay đổi này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tránh được việc bị các doanh nghiệp nước ngoài liên tục cáo buộc, kiện tụng; và nhờ đó, có thể chủ động hoạch định các chính sách kinh tế.


Nội dung sửa đổi FTA Hàn-Mỹ đối với ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc?


Vào tháng 5, Quỹ phòng hộ Elliott của Mỹ đã có vụ tranh chấp pháp lý với Hàn Quốc trị giá lên đến 800 tỷ won (710 triệu USD). Theo đó, Quỹ này cáo buộc Chính phủ Hàn Quốc đã can thiệp trái phép vào việc sát nhập Công ty xây dựng Samsung và Công ty công nghiệp Cheil vào năm 2015, và dẫn đến khoản thiệt hại nêu trên. Để đưa ra một vụ kiện như vậy, các doanh nghiệp này đã lợi dụng cơ chế ISDS của Hiệp định FTA Hàn-Mỹ hiện hành, trong đó cho phép các nhà đầu tư của Mỹ tuyên bố đã bị thiệt hại do chính sách của Hàn Quốc và có thể yêu cầu bồi thường thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế. Có thể nói điều này vi phạm chủ quyền tư pháp và tranh tụng một cách quá đáng đối với Hàn Quốc và nội dung sửa đổi mới nhất của FTA Hàn-Mỹ sẽ ngăn chặn động thái tương tự. Tuy nhiên, ngành ô tô Hàn Quốc dự kiến sẽ phải chịu thiệt hại. Tiến sĩ Kim Hyung-joo cho biết.


Các nội dung sửa đổi dường như sẽ không tác động quá lớn đến ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc. Trước hết, một số doanh nghiệp sản xuất ô tô Hàn Quốc mới chỉ đang trong giai đoạn phát triển các loại xe bán tải, chứ chưa thực sự đạt đến giai đoạn thương mại hóa. Trong khi đó, thỏa thuận mở rộng hạn ngạch nhập khẩu ô tô đạt chuẩn của Mỹ, thay vì chuẩn Hàn Quốc lên tới 50.000 chiếc, dự kiến sẽ có tác động lớn hơn. Trên thực tế, số lượng xe ô tô nhập khẩu vào Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây, đặc biệt, dòng xe thể thao SUV nhập ngoại xuất hiện rất nhiều trên đường phố. Phần lớn dòng xe này, bao gồm cả xe ô tô của các doanh nghiệp từ Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) được sản xuất tại Mỹ, sẽ được hưởng lợi từ các quy định nhập khẩu mới. Với tốc độ gia tăng như hiện nay, hạn ngạnh 50.000 chiếc xe sẽ nhanh chóng bị vượt qua, và các dòng xe này chắc chắn sẽ giành lấy đáng kể thị phần từ tay các nhà sản xuất ô tô nội địa.


Seoul chưa thể hoàn toàn yên tâm với nội dung FTA Hàn-Mỹ sửa đổi 


Mỹ đã yêu cầu sửa đổi các điều khoản đối với ngành công nghiệp ô tô một cách quyết liệt. Theo đó, hai bên nhất trí kéo dài thêm 20 năm mức thuế 25% áp dụng với dòng xe bán tải nhập khẩu từ Hàn Quốc thay vì gỡ bỏ mức thuế này từ năm 2021 như đề xuất ban đầu. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ mở rộng hạn ngạch nhập khẩu xe ô tô từ Mỹ, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Mỹ, thay vì tiêu chuẩn của Hàn Quốc, lên 50.000 chiếc/năm. Hiện nay, ba nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ đang xuất khẩu 19.000 chiếc sang Hàn Quốc, và các điều khoản sửa đổi sẽ giúp các doanh nghiệp này xuất khẩu ô tô sang Hàn Quốc một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, xét tới tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), các nội dung sửa đổi lần này đã giảm thiểu thiệt hại không mong muốn khi Seoul đã tỏ ra chủ động hơn các nước khác trong các vòng đàm phán sửa đổi FTA. Tuy nhiên, dư luận vẫn lo ngại về việc Washington có thể sử dụng Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại để đánh thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc. Ông Kim Hyung-joo phân tích rõ hơn. 


Mặc dù đã nhất trí sửa đổi FTA Hàn-Mỹ, Washington vẫn có thể tiếp tục sử dụng Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại, vốn cho phép Tổng thống Mỹ có quyền hạn chế nhập khẩu hàng hóa, vật liệu từ các nước khác, nếu thấy các mặt hàng này đe dọa đến ngành sản xuất nội địa và an ninh của Mỹ. Chế độ này cũng được Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho phép áp dụng. Không giống như các lĩnh vực khác, Điều 232 đề cập đến các mặt hàng cụ thể như thép, nhôm và ô tô. Do đó, Hàn Quốc vẫn không thể hoàn toàn yên tâm với các nội dung sửa đổi FTA Hàn-Mỹ đã được công bố. 


Trong bối cảnh môi trường thương mại ở Mỹ hiện nay, thật khó để xác định chính xác liệu Washington sẽ tiếp tục miễn thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ Hàn Quốc hay không. Các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề thuế ô tô đang ngày càng tăng lên, trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành đàm phán sửa đổi các thỏa thuận thương mại với EU sau khi đã kết thúc việc đàm phán sửa NAFTA với Mexico và Canada. Mặc dù, Seoul đã tránh được một “đòn chí mạng” khi chủ động đàm phán với Mỹ, nhưng kết quả cuối cùng vẫn sẽ phụ thuộc vào việc liệu Washington có sử dụng quân bài chiến thuật là Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại hay không. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến việc FTA Hàn-Mỹ sửa đổi có thể sẽ được ký kết trong thời gian diễn ra phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 18/9, và mục tiêu của Hàn Quốc là hai nước sẽ bắt đầu thực thi các nội dung này kể từ đầu năm tới. Mọi “con mắt” đang đổ dồn vào việc Chính phủ của hai nước sẽ đưa ra giải pháp gì để cải thiện các điều kiện thương mại song phương, cân bằng lợi ích đôi bên trong khuôn khổ nội dung của Hiệp định FTA sửa đổi.

Lựa chọn của ban biên tập