Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kết quả chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ tư của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo

2018-10-11

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Chuyến thăm lần thứ tư của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bắc Triều Tiên ngày 7/10 vừa qua một lần nữa giúp khôi phục tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã nhất trí cho các thanh sát viên quốc tế tiếp cận bãi thử động cơ tên lửa ở xã Punggye, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong của nước này, nối lại lộ trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều. Hãy cùng lắng nghe Giáo sư Chung Dae-jin đến từ Viện nghiên cứu Thống nhất, trường Đại học Ajou, phân tích sâu hơn về nội dung này.


Theo trình tự thông thường, quá trình phi hạt nhân hóa sẽ theo sau việc công bố, kiểm chứng và phá dỡ. Nhưng Bắc Triều Tiên đã bắt đầu một tiến trình mới theo cách của riêng mình, với trật tự đảo ngược lần lượt là phá dỡ, kiểm chứng và công bố. Thay vì chấp nhận các biện pháp kiểm chứng đối với cơ sở hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan, miền Bắc dường như muốn được xác nhận việc phá dỡ bãi thử động cơ tên lửa ở xã Punggye, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong trước, vốn đã được tiến hành ngày 24/5 năm nay như một “biện pháp thiện chí mở đầu.” Bình Nhưỡng muốn thể hiện rằng nhiệm vụ trên đã được thi hành một cách xác thực. Việc nước này chấp nhận các thanh sát viên và quá trình kiểm chứng, ít nhất là đối với bãi thử tên lửa xã Punggye, là rất quan trọng.


Hồi tháng 5 năm nay, Bắc Triều Tiên đã mời các phóng viên Hàn Quốc và nước ngoài tới nước này để chứng kiến việc phá dỡ bãi thử động cơ tên lửa ở xã Punggye, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong. Vào thời điểm đó, miền Bắc đã đặc biệt nỗ lực cho thấy vụ phá hủy không phải là một màn kịch, bằng cách cho nổ cả đường hầm số 3 và 4, nơi việc thử tên lửa đã không hề được tiến hành. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về sự chân thành của Bình Nhưỡng, bởi nước này không cho phép các thanh sát viên vào trong hoặc thu thập các mẫu cần thiết làm bằng chứng cho việc phát triển hạt nhân của chính quyền miền Bắc. Do đó, cam kết vừa qua của Bắc Triều Tiên cho phép việc thanh sát nhằm xóa tan các nghi ngờ được xem là một bước tiến. Một điểm đáng chú ý khác là việc công bố và trình lên danh sách các cơ sở hạt nhân của miền Bắc, vốn được tin chắc sẽ là bước đi đầu tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa, lại bị bỏ qua. 


Giai đoạn công bố cơ sở hạt nhân là một giai đoạn khó. Chưa từng có tiền lệ khi việc công bố lại tới sau giai đoạn kiểm chứng, như đang xảy ra trong tình huống này. Bắc Triều Tiên đã trình lên một báo cáo dài 16.000 trang, cũng như các ống aluminum liên quan tới lò phản ứng hạt nhân Yongbyon trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2009. Nhưng mối quan ngại của miền Bắc chính là: dù nước này có thể hiện với thế giới đến thế nào, cộng đồng quốc tế vẫn sẽ không tin Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các nước trên thế giới vẫn tiếp tục nhìn nhận miền Bắc như thể nước này đang cố gắng che giấu năng lực hạt nhân và khai báo không thành thật về chương trình hạt nhân của mình. Đây là lý do vì sao các nỗ lực phi hạt nhân trước đó hiếm khi thành công trong việc vượt giai đoạn công bố. Đã có vấn đề về lòng tin, nên điều quan trọng là phải cải thiện các điều kiện xây dựng lòng tin. Vì vậy, việc miền Bắc sẵn sàng chấp nhận các thanh sát viên và tuân theo luật lệ của cộng đồng quốc tế là rất có ý nghĩa, bởi nước này đang nhắm tới phi hạt nhân hóa.


Việc hối thúc Bắc Triều Tiên một cách cứng rắn là phải công bố các chương trình hạt nhân của nước này có thể làm nảy sinh sự hiểu lầm và không tin tưởng, trong khi đối thoại lại không mấy tiến triển giữa Bình Nhưỡng và Washington. Mỹ đã kiên trì yêu cầu Bắc Triều Tiên trình lên danh sách các vũ khí hạt nhân sẽ được phá dỡ của mình, trong khi miền Bắc lại kêu gọi các biện pháp tương ứng từ Mỹ và việc chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Hai bên giờ đây đã bỏ qua giai đoạn đầu tiên và nhất trí bắt đầu từ giai đoạn thứ hai, bao gồm việc thanh sát thực địa và kiểm chứng. Điều này cho thấy cả hai bên đang bày tỏ quyết tâm tiến tới phi hạt nhân hóa, song song với việc xây dựng lòng tin. Chuyến thăm thứ tư tới miền Bắc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dẫn đến thỏa thuận về việc thanh sát bãi thử động cơ tên lửa ở xã Punggye. Sự chú ý giờ đây tập trung vào việc thành lập đội thanh sát và vai trò của họ. 


Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) là cơ quan chuyên sâu về việc thanh sát và kiểm chứng. Vì thế, theo lệ thông thường, tôi tin rằng mọi thứ sẽ tiến triển tốt. Tuy nhiên, nếu muốn kiểm chứng bãi thử nghiệm tên lửa xã Punggye một cách xác thực, cơ sở này đáng lẽ ra không nên bị phá dỡ để các thanh sát viên có thể vào trong và thu thập các mẫu còn sót lại sau việc thử tên lửa, nhằm xác định xem liệu có uranium hay plutonium, và cũng là để đánh giá sức công phá của các vụ nổ hạt nhân. Bằng cách này, họ có thể nắm bắt được trình độ năng lực hạt nhân toàn diện của Bắc Triều Tiên. Hiện nay, kể cả khi lối vào bãi thử nghiệm trên đã bị phá dỡ, các cơ sở nằm bên dưới vẫn có thể còn khả năng hoạt động để thử hạt nhân. Nếu các cơ sở dưới lòng đất cũng đã bị phá hủy và lối vào bị chặn, cần phải xây dựng một đường hầm dẫn vào để tiếp cận các mẫu bên dưới cho mục đích kiểm chứng. Đây sẽ là một quy trình kỹ thuật cực kỳ khó khăn.


Nếu các thanh sát viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới Bắc Triều Tiên, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong vòng 9 năm kể từ khi họ bị trục xuất năm 2009. IAEA cho biết việc thanh sát có thể được bắt đầu trong vài tuần theo sau thỏa thuận giữa các nước liên quan và sự chấp thuận của Ban điều hành cơ quan này. Thanh sát thực địa được kỳ vọng sẽ tập trung vào việc liệu phòng thí nghiệm nổ (detonation lab), nơi diễn ra các vụ thử tên lửa, thực sự đã bị phá hủy hoàn toàn hay chưa. Việc thanh sát đường hầm số 3 và 4 cũng sẽ là công tác then chốt. Sự hợp tác của miền Bắc trong quá trình thanh sát cũng sẽ thay đổi viễn cảnh về đàm phán Mỹ-Triều trong tương lai. 


Nếu Bắc Triều Tiên thể hiện sự thành thật trong các cuộc thanh sát và tuân thủ 100% các tiêu chuẩn quốc tế, nước này sẽ bước vào quá trình phi hạt nhân hóa một cách thuyết phục. Nhưng dù sao, đây vẫn sẽ là một phạm vi hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ. Miền Bắc sẽ muốn thanh sát, kiểm chứng và phi hạt nhân hóa ở cấp thấp, trong khi Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục đưa ra nhiều yêu cầu nhằm theo đuổi một sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Chặng đường phía trước sẽ là quá trình thu hẹp khoảng cách trên. Nếu các kết quả của việc thanh sát bãi thử tên lửa xã Punggye là mang tính chất cuối cùng, điều này có thể báo hiệu một bước tiến tiếp theo.


Một khi các cuộc thanh sát bắt đầu, quá trình phi hạt nhân hóa sẽ có bước chuyển mình đầy đủ. Nếu Mỹ tự tin rằng bãi thử tên lửa xã Punggye đã bị phá hủy không thể đảo ngược và tiếp tục tiến tới thanh sát bãi thử tên lửa xã Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, Washington được kỳ vọng sẽ có động thái tương ứng bằng việc đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 9/10 cũng cho biết ông đang nhìn thấy chặng đường tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách đầy đủ, cuối cùng. Nếu quá trình trên tiến triển với việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon và các biện pháp cộng thêm từ phía Mỹ, đây gần như sẽ là một sự phi hạt nhân hóa đồng bộ từng bước. Trong khi đó, hội đàm Mỹ-Triều cấp chuyên viên có thể bắt đầu ngay tuần sau. 


Việc thanh sát bãi thử tên lửa xã Punggye sẽ là ưu tiên trong nghị trình của hội đàm cấp chuyên viên. Hai bên cũng sẽ thảo luận cách kiểm chứng các biện pháp mà Bắc Triều Tiên khẳng định đã tiến hành cho tới nay. Sau đó, hội đàm cũng sẽ xoay quanh các biện pháp tương ứng từ phía Mỹ và những bước đi cộng thêm từ phía miền Bắc, bởi mỗi bên đều thận trọng trong cuộc nhân nhượng lẫn nhau này.


Các chi tiết trong thỏa thuận về thanh sát hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington đang được kỳ vọng sẽ cấu thành quá trình phi hạt nhân hóa theo sau đó. Mọi sự chú ý đều đang dồn vào cuộc hội đàm cấp chuyên viên sẽ được dẫn đầu bởi Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun và người đồng cấp phía miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập