Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tại New York

2018-11-06

Tin tức

Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 8/11 tại New York

Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tới tại New York (Mỹ), được xem là một bước ngoặc cho đàm phán song phương trong tương lai. Nếu “thẻ bài” mà Bắc Triều Tiên đưa ra có thể thỏa mãn yêu cầu của Mỹ, thì đàm phán Mỹ-Triều có thể quay trở lại quỹ đạo vốn có. Ngược lại, nếu Bình Nhưỡng không đáp ứng được điều kiện của Washington, thì đối thoại song phương có khả năng quay lại cục diện đối đầu.


Chủ đề nghị sự chính

Đàm phán Mỹ-Triều hiện đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ kể từ sau chuyến thăm Bắc Triều Triên lần thứ tư trong tháng 10 vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Pompeo sẽ gặp Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol vào ngày 8/11 tại New York. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chủ đề nghị sự chính của hội đàm là thảo luận biện pháp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên triệt để và được kiểm chứng đầy đủ (FFVD), và thực hiện nội dung nhất trí trong Tuyên bố chung Mỹ-Triều được nhà lãnh đạo hai bên ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh song phương diễn ra tại Singapore ngày 12/6. Nói cách khác, nội dung thảo luận trọng tâm chính là một “thỏa thuận lớn” (big deal) với việc Bình Nhưỡng cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa, và Washington phải đưa ra biện pháp tương xứng. Kết quả thảo luận trong hội đàm cấp cao lần này sẽ đóng vai trò quyết định đến việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Theo đó, nếu hai bên thảo luận về thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, thì có thể xem như hội đàm cấp cao lần này đã đạt được thành công. Hơn nữa, nếu hai bên xác định được thời gian và địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh, thì đây còn là một bước tiến vô cùng quan trọng trong đàm phán song phương.


Lập trường cứng rắn của Mỹ

Cụ thể, Seoul và Washington dự kiến sẽ thảo luận vấn đề thị sát việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân ở xã Punggye, huyện Gilju, tỉnh Bắc Hamgyeong, cũng như bãi thử nghiệm động cơ tên lửa ở xã Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, của miền Bắc. Việc thanh sát hai nơi trên là một trong những nội dung nhất trí giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Lần này, hai bên dường như sẽ thảo luận đến phương án mở rộng giám sát việc phá dỡ bãi thử hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan. Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 4/11, Ngoại trưởng Pompeo cho biết điều kiện tiên quyết để Mỹ xóa bỏ các lệnh cấm vận với Bắc Triều Tiên không chỉ dừng lại ở việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, mà quá trình phi hạt nhân hóa phải nhận được sự kiểm chứng. 


Lập trường của Bắc Triều Tiên

Trong khi đó, Bình Nhưỡng bày tỏ lập trường khá cứng rắn, yêu cầu Washington phải đưa ra biện pháp tương xứng. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un chỉ trích rằng các thể lực thù địch chỉ đang tập trung vào các biện pháp trừng phạt tàn ác. Trong một bài xã luận của Bộ Ngoại giao miền Bắc cũng có câu nhấn mạnh rằng “nếu dịch chuyển được núi thì núi có thể dịch chuyển, nhưng dân tộc chúng ta thì sẽ không có một sự xê dịch nào, dù chỉ là 1mm”. 

Lập trường trái ngược nhau này của Bình Nhưỡng và Washington làm dấy lên cả lo ngại lẫn kỳ vọng về cuộc hội đàm cấp cao song phương tại New York sắp tới. Bởi đây là một động thái khá cương quyết của Washington, bất chấp những thay đổi có thể diễn ra sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Những bất đồng trong lập trường giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể chỉ là cuộc cân não giữa hai bên trước thềm đàm phán, hoặc cũng thể tạo ra một khoảng cách lớn mà hai bên khó có thể xóa bỏ được.

Lựa chọn của ban biên tập