Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Seoul phản bác cáo buộc của Tokyo về hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu

2018-11-07

Tin tức

Seoul phản bác cáo buộc của Tokyo về hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu

Việc Nhật Bản khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu, được xe như là một “chiêu bài” đàm phán ngoại giao.


Cáo buộc của Nhật Bản và phản ứng của Hàn Quốc

Nhật Bản cho rằng việc Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu là vi phạm hiệp định của WTO. Tức, việc Công ty đóng tàu và hải dương Daewoo được nhận quỹ hỗ trợ công, đang bóp méo giá cả thị trường khi trúng thầu với mức giá thấp. Tokyo khẳng định Seoul đã rót nguồn vốn 11.900 tỷ won (10,62 tỷ USD) cho việc tái cơ cấu Công ty đóng tàu và hải dương Daewoo. Đồng thời cho rằng phương án tái cơ cấu công ty đóng tàu STX, và công ty đóng tàu Sungdong cũng vi phạm hiệp định của WTO. Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần lên án vấn đề này và bày tỏ lo ngại rằng động thái hỗ trợ trên của Hàn Quốc sẽ bóp méo thị trường, gây cản trở việc giải quyết sớm vấn đề dư thừa nguồn cung, yêu cầu Hàn Quốc sớm bãi bỏ phương án hỗ trợ này.

Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định việc hỗ trợ tái cơ cấu ngành đóng tàu là không trái với quy định quốc tế. Seoul cho biết lý do hỗ trợ các doanh nghiệp trên tái cơ cấu là dựa vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Hàn Quốc có kế hoạch sẽ tích cực giải thích cho Nhật Bản sự thật này trong quá trình thảo luận song phương dựa theo quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. 


Ý đồ của Nhật Bản

Tuy nhiên, vấn đề này dự kiến sẽ khó có thể nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa. Việc Tokyo đưa ra “chiêu bài” khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới có vẻ như có liên quan đến việc gần đây ngành đóng tàu Hàn Quốc đang có dấu hiệu phục hồi và đứng trước cơ hội giành được vị trí số 1 thế giới về đơn hàng trúng thầu sau 7 năm. Trong khi đó, việc ngành đóng tàu của Nhật Bản chịu nhiều sức ép từ các hãng đóng tàu của Hàn Quốc và Trung Quốc, không phải là chuyện ngày một ngày hai. Do đó, động thái trên của Nhật Bản cũng được cho là có liên quan đến phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc buộc công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo bồi thường thiệt hại về hành vi cưỡng ép lao động thời chiến.

Có ý kiến từ phía Chính phủ Nhật Bản cho rằng đây chỉ là sự “trùng hợp về thời gian”, song cũng có ý kiến cho rằng việc khiếu nại Hàn Quốc lên WTO sẽ trở thành một “chiêu bài” cho đàm phán ngoại giao song phương trong tương lai. Trên thực tế, có thể thấy Tokyo đã không che giấu ý đồ lấy đây làm “chiêu bài” liên quan đến phán quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại của Tòa án tối cao Hàn Quốc với công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo. Nói cách khác, đây là một phần trong mặt trận ngoại giao toàn diện của Tokyo để đối phó với Seoul.


Hiện tại, Hàn Quốc và Nhật Bản đang trong quá trình tranh chấp tại WTO liên quan đến vụ Seoul cấm nhập khẩu mặt hàng nông, thủy, hải sản của 8 huyện gần tỉnh Fukushima, và vụ Hàn Quốc áp đặt thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng van truyền động bằng khí nén xuất xứ từ Nhật Bản. 




Lựa chọn của ban biên tập