Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hội đàm cấp cao Mỹ-Triều bị hoãn đột ngột

2018-11-08

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Hội đàm cấp cao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên vốn được lên kế hoạch diễn ra tại New York trong tuần này, vừa bị hoãn lại. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 7/11 cho biết cuộc gặp dự kiến ngày 8/11 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol, đã bị hoãn lại. Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ. Hãy cùng lắng nghe ông Hong Hyun-ik, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Sejong, phân tích bối cảnh và ảnh hưởng của quyết định đột ngột trên.


Trên thực tế, đã xuất hiện dấu hiệu về khả năng hoãn hội đàm cấp cao Mỹ-Triều. Bởi sự kiện trên được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 8/11, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol được kỳ vọng sẽ tới Bắc Kinh, Trung Quốc khoảng ngày 6/11, rồi mới bay sang Mỹ. Nhưng ông Kim đã không đến Bắc Kinh trong khoảng thời gian đó. Đó là lý do vì sao một số người phỏng đoán rằng hội đàm Mỹ-Triều đã bị hoãn lại.


Sau khi xem xét kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cho rằng không nhất thiết phải vội vàng trong vấn đề hạt nhân miền Bắc. Về phần mình, Bắc Triều Tiên sắp sửa tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể tới thăm Bình Nhưỡng bất cứ khi nào. Hơn nữa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hy vọng có thể tổ chức hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Bình Nhưỡng hoặc Washington, hoặc cả hai bên, có thể đi tới kết luận rằng nên phát động một “cuộc chiến cân não” trong hoàn cảnh trên, dẫn đến việc hoãn cuộc hội đàm song phương đã được lên kế hoạch ở phút chót.


Nhiều quan chức Mỹ vẫn đang nghi ngờ sự thành thật của Bắc Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Các quan chức, đặc biệt là những người thuộc Đảng Dân chủ, sẽ chỉ trích chính quyền của Tổng thống Trump nếu cuộc hội đàm cấp cao giữa Bình Nhưỡng và Washington không đạt được bất cứ kết quả trông thấy nào. Trong khi đó, miền Bắc đang có hoạt động ngoại giao sôi nổi với các quốc gia trong khu vực như Nga, Trung Quốc và Nhật Bản, và Bình Nhưỡng có thể muốn điều chỉnh tiến độ đàm phán với Mỹ. Trên thực tế, cuộc chiến cân não giữa Bình Nhưỡng và Washington không có gì là mới mẻ.


Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 tại Singapore, hai nước đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đã ký kết thỏa thuận Sentosa, song Washington vẫn chưa đáp lại các đề xuất mà Bình Nhưỡng mong muốn thi hành, như giảm nhẹ cấm vận với miền Bắc và công bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) – bước tiến đầu tiên tới việc thiết lập một cơ chế hòa bình. Hơn nữa, các biện pháp phi hạt nhân hóa của miền Bắc lại không đạt được kỳ vọng của Mỹ về mặt công bố và phá dỡ các chương trình hạt nhân. Kết quả là, đàm phám song phương về phi hạt nhân hóa đã tiến triển chậm chạp kể từ tháng 6, với việc hai bên vẫn có quan điểm khác biệt về phương cách giải quyết các vấn đề trên.


Trong hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử hồi tháng 6, Bắc Triều Tiên và Mỹ đã nhất trí về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc và thiết lập một cơ chế hòa bình. Nhưng đàm phán song phương không cho thấy bất cứ tiến triển rõ rệt nào trong 5 tháng vừa qua. Đó là lý do vì sao cuộc hội đàm cấp cao được lên kế hoạch diễn ra ngày 8/11 được xem là một bước ngoặt lớn.


Điều quan trọng là phải chốt được thời gian và địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại hội đàm cấp cao hoặc cuộc gặp trù bị cho sự kiện này. Cũng cần phải thu hẹp khoảng cách lớn trong khác biệt quan điểm của hai bên. Nói cách khác, hai phía cần phối hợp trong việc Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận đến đâu yêu cầu của Mỹ về các biện pháp phi hạt nhân hóa thực chất, và các động thái đáp lại từ phía Mỹ, như tuyên bố chấm dứt chiến tranh hoặc giảm nhẹ cấm vận với miền Bắc. Nếu hai nước ký kết một thỏa thuận cụ thể và quan trọng về phi hạt nhân hóa, và nếu thỏa thuận này được đưa vào hành động thực tế, tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc sẽ đạt được một bước tiến dài.


Tại cuộc hội đàm theo dự kiến, Bình Nhưỡng và Washington được kỳ vọng sẽ thảo luận các vấn đề then chốt, như việc thanh sát bãi thử động cơ tên lửa xã Dongchang, huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan, bãi thử hạt nhân xã Punggye, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong, cũng như cơ sở hạt nhân Yongbyon, tỉnh Bắc Pyongan. Các nhà phân tích cũngnhận định rằng hội đàm sẽ tập trung vào khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2. Tuy nhiên, khi Hội đàm cấp cao bị hoãn lại, các hoạt động đối ngoại khu vực xoay quanh bán đảo Hàn Quốc rất có thể sẽ bị ảnh hưởng.


Cả Bắc Triều Tiên và Mỹ tin rằng không cần phải nhượng bộ chỉ để tổ chức hội đàm và họ vẫn có thể sắp xếp thời gian. Nhưng hai phía đang tránh đi quá xa tới mức công kích lẫn nhau. Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy tiến triển trong quan hệ với miền Bắc. Nhưng giữa bối cảnh cuộc chiến cân não giữa Bình Nhưỡng và Washington, Seoul sẽ phải điều chỉnh tiến độ trong quan hệ với Bình Nhưỡng và xem xét lại chính sách với miền Bắc. Nếu xem xét tới quan hệ Hàn-Mỹ và đàm phán Mỹ-Triều, Hàn Quốc có thể sẽ không vội vàng trước chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un vào cuối năm nay. Chuyến thăm này có thể sẽ bị trì hoãn đôi chút.


Nếu Bắc Triều Tiên và Mỹ tạm dừng thúc đẩy đối thoại, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 và chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un có thể sẽ bị hoãn lại. Động thái trên chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới các dự án kinh tế liên Triều, bao gồm lễ khởi công việc kết nối các tuyến đường sắt và đường bộ xuyên biên giới. Bởi Washington đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tiến triển trong quan hệ liên Triều song song với tiến triển phi hạt nhân hóa, rất khó để Seoul chỉ thúc đẩy quan hệ liên Triều.


Tôi không cho rằng quan hệ Mỹ-Triều đã bị tổn hại hay hội đàm song phương đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, hai nước đang trong thế “giằng co” nhằm thu về nhiều nhượng bộ hơn từ bên còn lại. Nếu hai phía tạm dừng tiếp xúc rồi gặp lại khi đã chuẩn bị đầy đủ để đạt được một thỏa thuận, điều này sẽ tốt hơn rất nhiều nếu họ vội vã gặp mà lại tranh cãi, khiến hội đàm thất bại. Do đó, chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi và theo dõi sát sao quan hệ Mỹ-Triều.


Về việc hoãn hội đàm cấp cao Mỹ-Triều, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay hai bên sẽ tổ chức hội đàm khi lịch trình của mỗi bên cho phép. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định việc hoãn sự kiện trên không có nghĩa là đối thoại Mỹ-Triều đã bị mất hết xung lực. Chúng ta cùng dõi xem liệu cuộc chiến cân não giữa hai phía sẽ tiến triển đến đâu.

Lựa chọn của ban biên tập