Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Những cung bậc thăng trầm của đàn nhị Haegeum Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2018-12-05

Âm điệu ngàn xưa


Nhạc gia Yoo Wu-chun và cây đàn nhị Haegeum

Ngày nay, ở Hàn Quốc có khá nhiều người yêu thích âm thanh cây đàn nhị Haegeum. Nhưng xưa kia, đàn nhị Haegeum là nhạc cụ mà những người ăn mày thường mang theo để diễn tấu ca hát kiếm “bát cơm manh áo” và đồ bố thí của thiên hạ. Đặc biệt, các thư tịch cổ của Hàn Quốc cũng ghi chép về một số vụ việc như những người ăn mày khi đi hành khất họ tấu đàn nhị Haegeum tạo những âm thanh nghe như tiếng muỗi kêu vo ve, hay như tiếng ông bà già cãi cọ nhau lúc “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”. Điều này cho thấy ở Hàn Quốc đàn nhị Haegeum vốn dĩ không phải là loại nhạc cụ được đánh giá cao. Thời bấy giờ, có một nhạc gia đàn nhị Haegeum trong cung đình có tên là Yoo Wu-chun. Truyền rằng các học giả trong thành thường tìm tới xếp hàng dài để đợi nghe tiếng đàn nhị của người này. Một hôm, một học giả tấu đàn nhị Haegeum giải sầu nói với nhạc gia Yoo Wu-chun rằng “Ta e rằng tấu đàn nhị Haegeum sẽ khiến thiên hạ chế giễu ta là đồ ăn mày mất! Làm thế nào để không bị giễu cợt đây?”. Nghe vậy, nhạc gia Yoo Wu-chun liền trả lời một cách hóm hỉnh, rằng “Tôi học đàn nhị Haegeum được 3 năm thì thành nhạc gia cung đình. 5 ngón tay đều chai cứng vì khổ luyện. Kỹ năng ngày một điêu luyện nhưng lương bổng đâu được tăng, người đời ai biết đến đâu. Nhưng chỉ với cây đàn nhị Haegeum cũ kỹ, những người hành khất chỉ cần kéo gẩy quãng vài tháng là người ngóng kẻ xem kéo tới lũ lượt đứng vòng trong vòng ngoài, mỗi ngày kiếm được cả bao gạo cùng một mớ tiền, vì được nhiều người mến mộ.

Câu nói của nhạc gia Yoo Wu-chun có hàm ý là âm nhạc dù có trình độ cao đến mấy, hay đến mấy mà không ai biết đến thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. 

Nhạc gia Yoo Wu-chun còn chế giễu một bộ phận các học giả ra vẻ ta đây hiểu biết về âm nhạc, rằng “Giờ thì cả nước đều biết tới âm nhạc đàn nhị Haegeum của Yoo Wu-chun, nhưng chỉ là biết tên người thôi chứ có mấy ai biết được tiếng đàn của Yoo Wu-chun đâu!”. Có lẽ tới ngày nay, phần đông các nghệ thuật gia đều vẫn đồng cảm với câu nói này của nhạc gia Yoo Wu-chun.


Giới thiệu đàn nhị Haegeum của Hàn Quốc

Thời xưa những người hành khất ở Hàn Quốc thường mang theo bên mình cây đàn nhị Haegeum làm phương tiện mưu sinh, vì có lẽ bởi đàn nhị Haegeum nhỏ, nhẹ và có khả năng tạo được nhiều cung bậc âm thanh hơn các loại nhạc cụ khác. Đàn nhị Haegeum có bát nhị tròn nhỏ, dọc nhị hay còn gọi là cán nhị, có gốc cắm xuyên qua lưng bát nhị. Đàn nhị Haegeum chỉ có 2 dây được gắn song song với dọc nhị. Dây đàn được bện bằng bờm ngựa hoặc lông đuôi ngựa. Người chơi đặt bát nhị trên đầu gối, tay trái nắm dọc nhị, tay phải cầm cung vĩ kéo, để dây của cung vĩ cọ sát vào các dây đàn tạo ra âm thanh. Do không có ngựa đàn hay trục như đàn tranh 6 dây Geomungo hay đàn tranh 12 dây Gayageum, nên người nghệ sĩ có thể tạo ra đa dạng cung bậc âm thanh tùy vào từng vị trí và mức độ nhấn nhá dây đàn cũng như lực kéo cung vĩ. 


Nếu đem so sánh đàn nhị Haegeum của Hàn Quốc với các nhạc cụ phương Tây, chúng ta có thể thấy rằng đàn nhị Haegeum có phần giống với các loại đàn huyền cầm như đàn vi-ô-lông hay đàn vi-ô-la vì cũng dùng cung vĩ kéo và cọ sát vào các dây đàn để tạo phát âm thanh. Tuy nhiên, người Hàn Quốc không coi đàn nhị Haegeum là đàn huyền cầm mà cũng chẳng thuộc dòng nhạc khí ống, nên được gọi là Bisabijuk (Phi ti phi trúc), trong đó “sa” (ti) nghĩa là dây đàn được bện bằng tơ tằm, và các loại nhạc khí ống là “juk” (trúc) do được làm bằng tre, trúc. Đàn huyền cầm truyền thống của Hàn Quốc như đàn tranh 6 dây Geomungo hay đàn tranh 12 dây Gayageum được tạo âm thanh bằng cách nhấn nhá búng gẩy dây đàn nên âm thanh ngắn, đứt đoạn, dứt khoát. Còn âm thanh của đàn nhị Haegeum cũng được tạo qua các dây đàn, nhưng lại dài và déo dắt như tiếng sáo trúc ngang lớn Daegeum và sáo trúc dọc Piri. Thế nên, đàn nhị Haegeum thường được diễn tấu để làm hòa âm với cả đàn huyền cầm lẫn các loại nhạc khí ống. Nghệ sĩ Jeong Su-nyeon đã góp phần không nhỏ trong việc tạo sự cảm mến của công chúng đối với tiết mục độc tấu đàn nhị Haegeum. Thay vì những âm sắc khô cứng, lanh lảnh, qua những nhạc phẩm sáng tác mới, nghệ sĩ Jeong Su-nyeon đã làm rung động lòng người nghe bằng tiếng đàn nhị Haegeum mềm mại, uyển chuyển và da diết. 


* Chương I nhạc phẩm Sangryeongsan (Tương linh sơn) / Yang Gyeong-suk  (đàn nhị Haegeum)

* Nhc phJungjungmori dòng Haegeum Sanjo lối Ji Yeong-hee / Lee Dong-hun (đàn nhị Haegeum), Kim Cheong-man (trống phong yêu Janggu)

* Nhạc phẩm Gong (Khoảng không) / Yang Jun-ho (sáng tác), Jeong Su-nyeon (đàn nhị Haegeum)

Lựa chọn của ban biên tập