Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiếp xúc bí mật giữa quan chức Bắc Triều Tiên và Mỹ tại Bàn Môn Điếm

2018-12-06

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Giám đốc Trung tâm nhiệm vụ Hàn Quốc thuộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Andrew Kim được cho là đã có cuộc tiếp xúc với các quan chức Bắc Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ngày 3/12 vừa qua, nhân chuyến thăm Hàn Quốc không được công bố trước. Các chuyên gia đối ngoại đặt câu hỏi liệu cuộc gặp bí mật trên sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán Mỹ-Triều về hạt nhân hay không. Hãy cùng lắng nghe ông Kim Geun-sik, Giáo sư Khoa học chính trị của trường Đại học Kyungnam, phân tích sâu hơn.


Tin tức về chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của Giám đốc Trung tâm nhiệm vụ Hàn Quốc thuộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Andrew Kim cho thấy khả năng khôi phục xung lực cho đàm phán Mỹ-Triều. Giám đốc Kim được biết đến là phụ tá thân cận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ông Kim đã tháp tùng Ngoại trưởng Pompeo trong cả 4 chuyến thăm tới Bình Nhưỡng năm nay. Vị quan chức Mỹ gốc Hàn này cũng được cho là đã tiếp xúc hậu trường với Bắc Triều Tiên trước và sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6.


Bình Nhưỡng và Washington từng lên kế hoạch tổ chức hội đàm cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động miền Bắc Kim Yong-chol vào ngày 8/11. Nhưng cuộc gặp trên đã bị hoãn lại, và hai bên vẫn chưa định được thời gian cho hội đàm. Chuyến thăm của Giám đốc Andrew Kim tới Bàn Môn Điếm chắc chắn đang thu hút sự chú ý, bởi sự kiện trên đã diễn ra trong bối cảnh bế tắc giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Như Giáo sư Kim Geun-sik vừa giải thích, ông Andrew Kim đã đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6.


Theo các báo cáo, chính Bắc Triều Tiên đã đề xuất cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm trước. Tôi dự đoán miền Bắc cần phải xác định Mỹ đang tính toán những gì trước cuộc hội đàm cấp cao và Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 2. Về phần mình, Washington cũng cảm thấy cần phải biết được bất cứ thay đổi nào trong lập trường của Chủ tịch Kim Jong-un, và liệu có bất cứ vấn đề gì mà hai bên có thể đạt được thỏa hiệp tại các cuộc hội đàm trong tương lai hay không. Nói cách khác, cả hai phía đã sử dụng cuộc gặp vừa qua để thăm dò lập trường và chiến lược của nhau.


Một vấn đề then chốt trong nghị trình có lẽ là liệu hội đàm cấp cao song phương có thực sự được tổ chức, và nếu có, liệu sự kiện trên có thể quyết định các chủ đề thảo luận cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 hay không. Tôi đánh giá cuộc tiếp xúc vừa qua chính là một cuộc thảo luận sơ bộ cấp chuyên viên.


Đàm phán Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm vừa qua, nếu thành công, có thể sẽ dẫn tới hội đàm cấp cao song phương sau nhiều tháng bế tắc trong đàm phán hạt nhân. Trên thực tế, kênh liên lạc Bàn Môn Điếm đã được khởi động ngay sau Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) tại Argentina tuần qua. Theo sau cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Mỹ cũng như Trung-Mỹ nhân sự kiện trên, Tổng thống Donald Trump đã tích cực khẳng định cam kết giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc.


Trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Triều đang bế tắc như hiện nay, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể đã cảm thấy không thoải mái khi đề cập tới chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump. Nhưng ông Trump đã đồng ý rằng chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Kim sẽ mang lại xung lực cộng hưởng cho các nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Moon tiếp tục đóng vai trò trung gian điều phối.


Tất nhiên, hợp tác giữa Seoul và Washington là quan trọng trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi. Nhưng đảm bảo được sự ủng hộ từ Trung Quốc cũng là vô cùng quan trọng. Tổng thống Trump thường xuyên thể hiện sự không hài lòng với Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang kiểm soát Bình Nhưỡng một cách không đúng đắn phía sau hậu trường. Tuy nhiên, phát biểu về cuộc gặp vừa qua với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump nói rằng Chủ tịch Tập đã nhất trí hợp tác với Tổng thống Mỹ về Bắc Triều Tiên. Rõ ràng là ông Trump kỳ vọng Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ phối hợp đồng bộ với Mỹ khi đối phó với các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên nói chung, kể cả gây sức ép với miền Bắc.


Trong hội đàm thượng đỉnh Hàn-Mỹ tại Buenos Aires ngày 30/11, Tổng thống Trump đã bày tỏ quan điểm tích cực về chuyến thăm Seoul của Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un. Thông qua Tổng thống Hàn Quốc, người đã và đang đóng vai trò trung gian điều phối trong đàm phán Mỹ-Triều, ông Trump dường như đang gián tiếp mời gọi nhà lãnh đạo miền Bắc bước vào bàn đàm phán.


Qua bữa tiệc tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ cũng đã chứng tỏ sự hợp tác chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Washington trong các vấn đề liên quan tới Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tầm quan trọng của liên lạc giữa Bắc Kinh và Washington, hàm ý rằng ông đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên với sự giúp đỡ của Trung Quốc. Dường như các nỗ lực nhằm biến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 trở thành hiện thực đang được xúc tiến.


Giờ đây, khi Bắc Triều Tiên và Mỹ đã tiếp xúc cấp chuyên viên, họ có thể sớm tổ chức hội đàm cấp cao nhằm thảo luận chi tiết về Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ 2, bao gồm thời gian và địa điểm cụ thể. Một trong những điểm quan trọng chúng ta có thể tập trung vào tại thời điểm này chính là chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un và Hội nghị thượng đỉnh thứ 4 giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim. Nếu Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Seoul thu về thành quả tích cực, tức chuyến thăm Seoul của Chủ tịch Kim đã tạo ra một xung lực tích cực nữa cho việc phi hạt nhân hóa miền Bắc, như đã được nhắc đến trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua, khi đó một bầu không khí thuận lợi cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 sẽ được hình thành.


Trên đường trở về từ Hội nghị G20, Tổng thống Trump tuyên bố rằng cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 với Chủ tịch Kim Jong-un có thể diễn ra trong tháng 1 hoặc tháng 2 năm tới, đồng thời cho biết đang cân nhắc ba địa điểm khác nhau cho sự kiện. Tiếp đó, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton ngày 4/12 cũng khằng định Tổng thống Trump muốn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 với Chủ tịch Kim nhằm đảm bảo nhà lãnh đạo miền Bắc thực hiện đúng những cam kết tại cuộc gặp song phương hồi tháng 6. Với việc Washington đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trước cuộc gặp thượng đỉnh với Bình Nhưỡng, sự chú ý đang đổ dồn vào phản ứng của miền Bắc.


Bình Nhưỡng đang đứng trước những sự lựa chọn rất khó khăn. Không hề có lỗ hổng nào giữa Washington, Seoul và Bắc Kinh về vấn đề Bắc Triều Tiên. Các mối liên kết chặt chẽ trên sẽ làm trầm trọng thêm sự khó khăn cho nền kinh tế của miền Bắc, và có thể khiến Chủ tịch Kim Jong-un đi tới kết luận rằng Tổng thống Trump sẽ không giảm nhẹ sức ép với Bình Nhưỡng cho tới khi nào nhà lãnh đạo miền Bắc nhượng bộ. Khi chẳng có lối đi nào rõ rệt phía trước, Chủ tịch Kim có thể sẽ mặc nhiên chịu sức ép ngày một lớn và cuối cùng phải đáp ứng những yêu cầu của Washington. Mặt khác, nếu ông Kim khăng khăng rằng Washington phải giảm nhẹ cấm vận với Bình Nhưỡng trước tiên, thì đàm phán về phi hạt nhân hóa miền Bắc sẽ mất đi xung lực. Khi đó, Tổng thống Moon Jae-in được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung gian điều phối nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện tại.


Đàm phán bế tắc về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã có được xung lực sau khi quan chức Mỹ-Triều vừa bí mật tổ chức hội đàm. Diễn biến tích cực trên sẽ là chất xúc tác cho một số bước đột phá đối ngoại. Trước tiên, kỳ vọng về chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Kim Jong-un được củng cố. Tiếp đó, lãnh đạo của Mỹ và Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ sớm gặp nhau lần thứ 2. Có thể nói, giờ đây quả bóng đang lăn trên phần sân của Bình Nhưỡng. Bởi vậy, mọi sự chú ý lúc này đang đổ dồn về những lựa chọn mà miền Bắc sẽ đưa ra.

Lựa chọn của ban biên tập