Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Dự đoán xu hướng tiêu dùng chủ yếu trong năm 2019

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-01-07

© Getty Images Bank

10 xu hướng tiêu dùng của năm 2019 trong từ PIGGY DREAM


Trong năm ngoái, người dân Hàn Quốc đã đặc biệt chú ý tới những cụm từ như “hạnh phúc nhỏ bé mà chắc” và “cân bằng cuộc sống-công việc”, phản ánh một xu hướng đang lên trong xã hội Hàn Quốc – tìm kiếm hạnh phúc từ những điều nhỏ bé, giản đơn trong cuộc sống thay vì chạy theo những ý tưởng to lớn và giấc mơ đầy tham vọng. Giờ đây, câu hỏi đặt ra là những xu hướng nào sẽ xuất hiện trong năm 2019? Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, bà Jeon Mi-young, Nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm phân tích xu hướng tiêu dùng (CTAC) của trường Đại học Quốc gia Seoul, sẽ phân tích và nhận định về một số xu hướng tiêu dùng triển vọng trong năm 2019. 


Cụm từ “PIGGY DREAM (tạm dịch là “giấc mơ về lợn”) là tóm tắt xu hướng chủ đạo năm 2019. Theo phong tục tập quán của người Hàn, lợn là con vật biểu tượng cho sự may mắn và tài lộc. Với niềm tin đó, người Hàn Quốc ngày nay thậm chí vẫn tìm mua vé số khi nằm mơ thấy lợn. Tất nhiên, quan niệm này khó có thể tìm thấy ở các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, cụm từ “Piggy Dream” cũng phần nào thể hiện niềm hy vọng của nhiều người dân Hàn Quốc về một năm mới gặp nhiều may mắn, giống như quan niệm về tài lộc khi nằm mơ thấy lợn. 


Xu hướng “Play the concept”


Cụm từ “PIGGY DREAM” lấy từ 10 chữ cái đầu của 10 xu hướng tiêu dùng trong năm 2019 như “Play the Concept” (Thể hiện phong cách) hay “Invite to the Cell Market” (Mời vào thị trường tế bào). Dù xuất phát từ cách chơi chữ trong tiếng Anh, cụm từ này vẫn phản ánh niềm tin truyền thống trong văn hóa Hàn Quốc về một năm tài lộc, đặc biệt trong năm 2019 - năm “lợn vàng” trong chu kỳ 60 năm của lịch vạn niên. Bà Jeon Mi-young phân tích cụ thể hơn.


“Thể hiện phong cách” là xu hướng đầu tiên tại Hàn Quốc trong năm 2019. Người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi nhiều hơn giá trị sử dụng đơn thuần. Chẳng hạn, khi đi dã ngoại tại công viên bên bờ sông Hàn, người ta không chỉ mua một con diều và chạy ngay tới chỗ đó, mà muốn nằm dài trên thảm cỏ, bên cạnh là giỏ đồ đa dạng, thậm chí có cả hoa trang trí, như những hình ảnh lãng mạn của các diễn viên trên màn ảnh nhỏ. Các doanh nghiệp ngày nay chú trọng tới các sản phẩm giúp người tiêu dùng thể hiện cá tính, phong cách riêng của mình. 


Xu hướng người tiêu dùng bán hàng Sellsumers và thị trường tế bào


Xu thế tiêu dùng chủ đạo trong quá khứ là thiết thực, hợp lý. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày nay lại chú ý nhiều hơn tới những trải nghiệm độc đáo dành riêng cho họ. Chẳng hạn, khi chụp ảnh, nhiều người thường chọn các địa điểm với phông nền ấn tượng để đăng lên mạng xã hội. Trong kỷ nguyên số, người tiêu dùng ưa trải nghiệm độc đáo sẵn sàng mở hầu bao để tìm đến các sản phẩm và dịch vụ cá tính và phong cách. Do đó, thị trường cũng cần chuyển mình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu. Nhà nghiên cứu Jeon Mi-young giải thích về xu thế chủ đạo thứ hai. 


Không chỉ những ngôi sao trên mạng xã hội, những người bình thường cũng có thể bán mọi thứ mong muốn thông qua các kênh bán hàng trực tuyến như trang cá nhân, tài khoản Instagram thay vì đăng ký các cửa hàng trực tuyến hay ngoại tuyến. Nhóm người tiêu dùng này được mô tả bằng cụm từ “sellsumers” (người tiêu dùng bán hàng) được ghép từ hai từ tiếng Anh sell (bán hàng) và consumser (người tiêu dùng). Họ thường bán sản phẩm mình trên kênh phân phối “thị trường tế bào” (cell market). Mặc dù vẫn hạn chế vế số lượng, song nhóm người này đang ngày càng tăng lên như số lượng điện thoại di động, và đóng vai trò quan trọng để mở ra kỷ nguyên về thị trường bán hàng trực tuyến một người. 


Xu hướng newtro, tìm về quá khứ với phong cách hiện đại


Thị trường tế bào (cell market) là một thuật ngữ mới, đề cập đến một kiểu thị trường được chia thành nhiều thị trường nhỏ, giống như việc phân tách tế bào để sinh ra các tế bào mới. Sự ảnh hưởng ngày càng lớn của các hoạt động trực tuyến đã mở ra thị trường tế bào. Trước đây, các nhà phân phối thường phải bán hàng tại các cửa hàng. Tuy nhiên, với các dịch vụ phân phối mở rộng, bất kỳ ai cũng có thể mở các gian hàng trực tuyến và bán sản phẩm, dịch vụ. Với kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện trực tuyến ngày càng phổ biến, nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã mở các kênh bán hàng trực tuyến, hoặc kết hợp với các thương hiệu bán hàng trực tuyến khác trên chính trang cá nhân của họ, từ đó dẫn dắt xu thế về các thị trường một người. Đặc biệt, giờ đây còn có cả hiện tượng hoài cổ. Bà Jeon Mi-young phân tích.


Một cụm từ khác cho xu thế của năm 2019 là “newtro” kết hợp xu thế “mới” (new) và xu thế “tái hiện” (retro). Đây là xu thế trở lại những phong cách của những năm 1990, đưa mọi người trở về với những ký ức của thế hệ trước. Mặc dù mang những nét xưa, phong cách mới này vẫn đem tới những trải nghiệm mới mẻ cho những người trẻ về một giai đoạn mà họ thậm chí chưa ra đời. Xu hướng “newtro” kết hợp giữa phong cách quá khứ và hiện tại, giúp thu hút những người trẻ ở độ tuổi 20. Khi nhắc đến những điểm đến hấp dẫn ở Seoul, người ta hay nhắc đến khu vực Hongdae, Itaewon, Gangnam và Jamsil. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay cũng có thể tìm đến khu vực Euljiro. Trong khi tầng lớp trung niên cho rằng các khu vực này đã xuống cấp, cần được xây dựng lại, những bạn trẻ lại rất háo hức được trải nghiệm không khí xưa cũ hết sức độc đáo, giống như tại Hồng Kong. Khu vực Euljiro là một ví dụ điển hình về văn hóa newtro đang thu hút được nhiều bạn trẻ.


Những xu hướng chủ đạo khác 


Nhiều sản phẩm đa dạng của xu hướng newtro như các mặt hàng thời trang lấy cảm hứng từ những năm 1980, sự xuất hiện trở lại của sữa bột tại các cửa hàng tiện lợi sau khi tưởng như đã biến mất khỏi các máy bán hàng tự động. Một xu hướng đáng chú ý khác của năm 2019 là “tái sinh địa điểm”. Nhà nghiên cứu Jeon Mi-young giải thích. 


Với xu thế mua sắm trực tuyến qua điện thoại di động ngày càng phổ biến, các cửa hàng ngoại tuyến ngày càng khó duy trì hoạt động. Nhiều người thậm chí còn nói ngày nay là thời kỳ sự sụp đổ của kinh doanh bán lẻ. Để vượt qua khó khăn, nhiều cửa hàng ngoại tuyến dự kiến sẽ thay đổi trong năm 2019. Theo đó, họ có thể kết hợp giữa một hiệu sách với một quán cà phê hay một hiệu sách với một ngân hàng. Cửa hàng bách hóa cũng có thể thay đổi cách bố trí truyền thống. Thay vì bố trí gian hàng các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng ở tầng một, dạo này có xu hướng bố trí khu nhà hàng ở tầng một và khu vui chơi dành cho trẻ ở tầng hai. Hiện tượng này được gọi là chú tắc kè hoa nhiều màu sắc để đáp ứng nhiều mục đích khác nhau. Những thay đổi này có thể được thấy ở các trung tâm mua sắm Lotte ở khu vực Ansan, hay trung tâm thương mại Hyundai ở phường Cheonho, phía Đông Seoul. Một ví dụ khác là chuỗi cửa hàng Emart24 đã thuê lại không gian từ hai quán cà phê có tầm nhìn đẹp ở phía nam cầu Dongjak, bắc qua sông Hàn ở thủ đô Seoul. 


Những xu hướng chủ đạo khác của năm 2019 như “sống xanh”, “dữ liệu thông minh”, “bạn là cảm xúc của chính bạn”, “sống với chính mình”, “gia đình thiên niên kỷ”, “thái độ tạo nên người tiêu dùng”. Cụ thể, “sống xanh” là xu thế thân thiện với môi trường, “dữ liệu thông minh” nói về các máy móc có thể thu thập dữ liệu, dự đoán xu thế tiêu dùng, còn “sống với chính mình” đề cao cảm giác cá nhân của mỗi người thay vì sống theo cách mà người khác nhìn nhận họ. Trong khi đó, “gia đình thiên niên kỷ” phản ánh xu thế người mẹ sẽ không còn phải hy sinh cả đời cho những đứa con, và “thái độ tạo nên người tiêu dùng” tìm kiếm sự cân bằng giữa người cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Chúng ta sẽ cùng chờ đợi xem liệu xu thế nào sẽ là chủ đạo trong năm nay, và các doanh nghiệp sẽ chuyển mình như thế nào, tìm ra đại dương xanh, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Lựa chọn của ban biên tập