Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nhà lãnh đạo miền Bắc lần thứ tư thăm Trung Quốc

2019-01-08

Tin tức

Nhà lãnh đạo miền Bắc lần thứ tư thăm Trung Quốc

Tín hiệu lạc quan về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un từ ngày 7/1 được xem như là một tín hiệu cho thấy Hội nghị thượng định Mỹ-Triều đã đến giai đoạn nước rút. Bởi chính mối quan hệ Trung-Triều đã phản ánh một cách rõ ràng được điều này. Bắc Kinh là “sợi dây sinh tồn” duy nhất của Bình Nhưỡng, một thể chế bị cô lập bởi các lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế. Còn đối với Trung Quốc, Bắc Triều Tiên lại đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược. Do đó, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cần phải phối hợp, trao đổi chiến lược để hiểu rõ nhau. Trên thực tế, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từng có ba lần đến thăm Trung Quốc vào năm ngoái và tất cả các chuyến thăm này đều diễn ra trước khi miền Bắc đưa ra những quyết định trọng đại. Tháng 3 năm ngoái, ngay trước thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thăm Bắc Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên. Hai chuyến thăm Trung Quốc sau đó của ông Kim diễn ra vào tháng 5 và tháng 6, trước và sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore ngày 12/6. Trong cả hai chuyến thăm này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Dự đoán mục đích chuyến thăm 

Do đó, các chuyên gia nhận định rằng nếu chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kim Jong-un thành công thì đồng nghĩa với việc trao đổi giữa Washington và Bình Nhưỡng đã đi vào quỹ đạo chính thức. Điều này có ý nghĩa rằng biện pháp phi hạt nhân hóa của miền Bắc và biện pháp tương ứng của Mỹ có thể đã phần nào được cụ thể hóa. Nói cách khác, mục đích của chuyến thăm Trung Quốc lần này của Chủ tịch Kim Jong-un là gặp Chủ tịch Tập Cận Bình để chia sẻ và trao đổi những nội dung đã đạt được trong đối thoại Mỹ-Triều. Đây cũng có thể là sự tính toán chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm thắt chặt mối quan hệ đồng minh thân cận với Bắc Kinh, để có được sự cân bằng, nâng cao năng lực đàm phán. Bắc Triều Tiên đang dựa vào Trung Quốc để được giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Bắc Kinh lấy Bình Nhưỡng làm “đòn bẩy” trong cuộc chiến thương mại với Washington, để yêu cầu Mỹ giảm nhẹ lệnh cấm vận với miền Bắc.


Lo ngại

Vì vậy, nhiều phân tích cho rằng không nên quá lạc quan về việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra suôn sẻ. Nếu Bắc Triều Tiên và Trung Quốc phối hợp tốt với nhau thì có thể sẽ mang đến hiệu quả thúc đẩy đàm phán Mỹ-Triều. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại rằng nếu miền Bắc dựa vào Trung Quốc để điều chỉnh tốc độ đàm phán, phía Mỹ có thể sẽ đối diện với việc Trung Quốc trở thành “hậu phương” cho miền Bắc. Điều này có thể sẽ gây cản trở cho đàm phán Mỹ-Triều, đồng thời khiến tình thế trên bán đảo Hàn Quốc trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó, Washington bày tỏ thái độ khá thận trọng về chuyến thăm Bắc Kinh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Mặc dù Ngoại trưởng Mike Pompeo có đề cập một cách khá tích cực về vai trò của Trung Quốc, song Washington hoàn toàn không mong muốn Bình Nhưỡng và Bắc Kinh thân thiết với nhau.

Lựa chọn của ban biên tập