Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cựu Chánh án Tòa án tối cao Yang Seung-tae trình diện tại Viện Kiểm sát 

2019-01-11

Tin tức

Cựu Chánh án Tòa án tối cao Yang Seung-tae trình diện tại Viện Kiểm sát 

Cựu Chánh án Tòa án tối cao Hàn Quốc Yang Seung-tae hôm 11/1 đã trình diện tại Viện kiểm sát, liên quan tới nghi ngờ lạm dụng thẩm quyền hành chính tư pháp, lấy phán quyết một số vụ án nhạy cảm về mặt chính trị, để thương lượng với Phủ Tổng thống thời Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye. Lạm dụng thẩm quyền hành chính tư pháp ở đây là chỉ việc Tòa án tối cao đã giám sát các thẩm phán và tiến hành thuyên chuyển nhân sự.


Vụ bê bối lạm dụng thẩm quyền hành chính tư pháp

Vụ bê bối khởi đầu từ nghi ngờ về danh sách đen các thẩm phán do Cơ quan hành chính tòa án lập ra, bắt nguồn từ vấn đề nhân sự của một thẩm phán vào tháng 2 năm 2017. Vị thẩm phán này vốn được chuyển công tác sang Cơ quan hành chính tòa án, nhưng sau đó lại bị hủy lệnh chuyển nhân sự, phải quay trở về cơ quan cũ làm việc. Lý do là thẩm phán này đã không đáp ứng chỉ thị kìm hãm hội thảo của Hội nghiên cứu luật nhân quyền quốc tế, cơ quan đã phản đối việc thành lập Tòa án thượng thẩm do Chánh án Yang Seung-tae xúc tiến thành lập khi đó. Tiếp đến, vào tháng 3 cùng năm lại rộ lên việc Cơ quan hành chính tòa án đã giám sát một số thẩm phán thuộc một số nhóm nghiên cứu chuyên ngành nhất định, khiến mối nghi ngờ về vấn đề nhân sự đã mở rộng sang nghi ngờ về sự tồn tại của danh sách đen các thẩm phán. Về vấn đề này, cựu Chánh án Yang Seung-tae đã thành lập Ủy ban điều tra làm rõ sự thật, tiến hành điều tra vụ việc trong gần một tháng. Kết quả điều tra khẳng định việc cán bộ Cơ quan hành chính tòa án đã gây cản trở hội thảo khoa học một cách không thích đáng là sự thật, song những nghi ngờ cơ quan này đã lập danh sách đen các thẩm phán là không chính xác. Dù vậy, kết quả này không những không giải tỏa được những nghi ngờ, mà càng khiến mâu thuẫn nội bộ Bộ Tư pháp càng trở nên gay gắt hơn.


Kết quả điều tra gần nhất

Cho đến khi tân Chánh án Tòa án tối cao Kim Myung-soo nhậm chức thì vụ việc mới bước sang một cục diện mới. Chánh án Kim đã thành lập Ủy ban điều tra làm sáng tỏ sự thật, tiến hành điều tra lại vụ việc lần thứ hai. Kết quả điều tra xác định Cơ quan hành chính tòa án đã từng theo dõi một số thẩm phán đặc biệt. Ngoài ra, ủy ban điều tra còn phát hiện ra văn bản có những nội dung bị can thiệp liên quan đến vụ kiện của cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) Won Se-hoon. Điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về việc tòa án đã chèo lái kết quả phán quyết một số vụ án nhạy cảm về mặt chính trị, để thương lượng với Phủ Tổng thống thời Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye.

Theo đó, Ủy ban điều tra làm sáng tỏ sự thật lần thứ ba đã được thành lập để tiến hành điều tra toàn bộ hành vi lạm dụng thẩm quyền của Cơ quan hành chính tòa án. Kết quả điều tra phát hiện rằng cơ quan này đã can thiệp vào một số vụ án quan trọng như vụ kiện đòi bồi thường của các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời thực dân Nhật, nhằm thương lượng với Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye để thành lập Tòa án thượng thẩm. Cuối cùng, vụ việc đã được chuyển sang Viện Kiểm sát điều tra và cựu Chánh án Tòa án tối cao đã bị triệu tập điều tra với tư cách là bị cáo. Viện Kiểm sát nhận định cựu Chánh án Yang Seung-tae đã chỉ thị và cho phép can thiệp một cách bất hợp pháp vào các vụ kiện, cho giám sát hoạt động của các thẩm phán, gây thiệt hại cho các nhân sự trong ngành tư pháp. 

Lựa chọn của ban biên tập