Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn độc lập 8/2/1919

2019-02-08

Tin tức

Kỷ niệm 100 năm Tuyên ngôn độc lập 8/2/1919

Bối cảnh ra đời Tuyên ngôn độc lập 8/2/1919

Tuyên ngôn độc lập 8/2 được các du học sinh Hàn Quốc tại Tokyo (Nhật Bản) công bố vào ngày 8/2/1919, châm ngòi cho phong trào độc lập kháng Nhật 1/3 cùng năm. 

Yếu tố tác động lớn nhất cho ra đời Tuyên ngôn độc lập 8/2 là nhờ Chương trình 14 điểm về nguyên tắc hòa bình của Tổng thống Mỹ thứ 28 Thomas Woodrow Wilson công bố trước thời điểm Thế chiến I kết thúc và Hiệp định đình chiến Thế chiến I. Ngày 6/1/1919, du học sinh Hàn tại Tokyo đã tổ chức một chương trình hùng biện, thông qua nghị quyết phát động phong trào độc lập một cách cụ thể. Căn cứ vào nghị quyết này, một ủy ban điều hành đã được thành lập, tập trung soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.


Nội dung Tuyên ngôn độc lập 8/2

Người soạn thảo chính văn bản này là nhà hoạt động độc lập Yi Kwang-su, người sau này trở thành một nhà văn tiêu biểu của Hàn Quốc. Đầu tiên, bản tuyên ngôn khẳng định nền tảng cũng như sự xứng đáng được hưởng nền độc lập của dân tộc Hàn, lên án sự cai trị của đế quốc Nhật là “chính sách nô lệ thời cổ đại”, chà đạp lên tự do, phân biệt sắc tộc, cưỡng đoạt quyền được sống của người dân. Bản tuyên ngôn đồng thời cảnh cáo rằng người dân bán đảo Hàn Quốc sẽ không ngừng đấu tranh chống lại đế quốc Nhật. Tuyên ngôn độc lập còn khẳng định sự ra đời một quốc gia mới, hình thành trên nền tảng dân tộc Hàn độc lập, theo chủ nghĩa dân chủ, đóng góp cho nền hòa bình thế giới và sự phát triển văn hóa nhân loại. Kèm theo đó là bốn điểm nghị quyết gồm bãi bỏ Hiệp ước hợp nhất Joseon vào Nhật Bản và tuyên bố độc lập, kêu gọi triệu tập đại hội toàn dân, cử đại diện dân tộc tới Hội nghị hòa bình quốc tế tại Den Haa, Hà Lan và cuối cùng là triển khai một trận chiến máu lửa vĩnh cửu cho tới khi đạt được mục tiêu.


Ý nghĩa

Ngày 8/2/1919, những du học sinh Hàn Quốc tại Nhật Bản đã gửi bản kiến nghị và Tuyên ngôn độc lập tới cơ quan ngoại giao của các nước đóng tại thủ đô Tokyo, Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản, Toàn quyền Joseon và các cơ quan ngôn luận. Tiếp đó, 2 giờ chiều cùng ngày, những sinh viên này đã tổ chức đại hội các du học sinh tại Hội quán thanh niên Cơ đốc giáo và công bố bản Tuyên bố độc lập. Khi đó, hơn 600 sinh viên tham gia đại hội dự định thảo luận phương án tiến hành phong trào độc lập thì bị cảnh sát Nhật cưỡng chế buộc phải giải tán, 13 ủy viên điều hành đã bị bắt giữ. Sau đó, các du học sinh Hàn Quốc đã có kế hoạch tiến hành nhiều cuộc biểu tình tuyên bố độc lập tại Tokyo nhưng đều bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, tin tức về bản Tuyên ngôn độc lập 8/2 đã lan truyền sang bán đảo Hàn Quốc, châm ngòi cho phong trào độc lập kháng Nhật 1/3/1919. Đặc biệt, bản Tuyên ngôn độc lập 8/2 có ý nghĩa to lớn ở chỗ đã trở thành cơ sở nền tảng cho Tuyên ngôn độc lập 1/3 do nhà văn kiêm nhà hoạt động văn hóa Choe Nam-seon soạn thảo sau này.

Lựa chọn của ban biên tập