Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hai miền Nam-Bắc xúc tiến đăng ký đồng đăng cai Thế vận hội mùa hè 2032

2019-02-12

Tin tức

Hai miền Nam-Bắc xúc tiến đăng ký đồng đăng cai Thế vận hội mùa hè 2032

Seoul và Bình Nhưỡng có thể cùng tổ chức Olympic

44 năm sau Thế vận hội mùa hè Seoul 1988, liệu thủ đô Seoul của Hàn Quốc có thể cùng thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên thành công giành quyền tổ chức Thế vận hội một lần nữa hay không. Việc xúc tiến cùng đăng ký xin tổ chức Olympic mùa hè 2032 là một trong những nội dung nhất trí của lãnh đạo hai miền nêu trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng 19/9/2018. Từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ việc hai thành phố hay hai quốc gia trở lên cùng đăng cai sự kiện thể thao này. Dù đã từng có nhiều trường hợp một số trận thi đấu được tổ chức ở thành phố khác, không phải là địa điểm chính thức diễn ra sự kiện.


Hiến chương Olympic cho phép tổ chức các trận thi đấu tại hai thành phố trở lên trong một nước, hoặc tại hai nước trở lên, song không nêu rõ khái niệm “đồng đăng cai” (Co-hosting). Hay nói cách khác, Hiến chương Olympic không có nội dung cho phép hay cấm việc hai thành phố hay hai quốc gia trở lên đồng đăng cai sự kiện. Do đó, việc này hoàn toàn không có vướng mắc gì về mặt quy định. Phía Seoul tiết lộ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng đã bày tỏ sẽ tích cực xem xét đơn đăng ký đồng đăng cai Olympic của hai miền Nam Bắc.

Seoul là thành phố quốc tế có kinh nghiệm từng tổ chức thành công một kỳ Thế vận hội. Tại đây có đầy đủ cơ sở hạ tầng như nhà thi đấu các môn thể thao, hệ thống giao thông thuận tiện, mạng viễn thông liên lạc và nơi ở. Hơn nữa, hai thành phố đăng ký cùng tổ chức là Seoul và Bình Nhưỡng có vị trí tương đối gần nhau. Nếu đơn đăng ký được chấp thuận, việc thủ đô của hai miền đồng đăng cai sự kiện còn mang ý nghĩa một kỳ “Thế vận hội thống nhất” trên nền tảng hòa bình và hòa hợp dân tộc. Nếu xét đến ý nghĩa này thì khả năng giành quyền đăng cai sự kiện của hai miền là khá cao.


Khó khăn

Rào cản lớn nhất trên đường đua giành quyền đăng cai thế vận hội chung Seoul-Bình Nhưỡng chính là tình hình thay đổi liên tục trên bán đảo Hàn Quốc. Dù hiện nay hai miền đang trong cục diện đối thoại tiến đến hòa giải nhưng tình hình có thể thay đổi chỉ trong một sớm một chiều. Nếu quan hệ hai bên xấu đi, hợp tác liên Triều khó khăn hơn thì đương nhiên việc xúc tiến cùng tổ chức Olympic sẽ phá sản. 

Bên cạnh đó, hiện có một số luồng dư luận bày tỏ tiêu cực về việc đăng cai Thế vận hội, đặc biệt hai miền Nam-Bắc đồng đăng cai là vấn đề hết sức phức tạp. Trong đó, chi phí tổ chức sự kiện là một trong những yếu tố làm bùng phát dòng dư luận phản đối này. Theo ước tính của chính quyền thành phố Seoul, chỉ riêng chi phí tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, mở cửa, bảo trì bảo dưỡng các nhà thi đấu và tổ chức các trận thi đấu đã lên đến khoảng 4.000 tỷ won (hơn 3,5 tỷ USD), chưa kể kinh phi đầu tư hạ tầng như khai thông, bảo trì các tuyến đường bộ, đường sắt ước tính còn cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, “đồng đăng cai” cũng đồng nghĩa với việc Hàn Quốc phải đầu tư hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng còn yếu kém của miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập