Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nhiều dự luật quan trọng chờ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội bất thường

2019-03-07

Tin tức

Nhiều dự luật quan trọng chờ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội bất thường

Khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường đầu tiên của năm 2019

Sau một thời gian dài gặp nhiều sóng gió, Quốc hội Hàn Quốc đã khai mạc kỳ họp bất thường đầu tiên trong năm 2019. Dự báo, kỳ họp cũng sẽ đầy chông gai khi có hàng loạt các dự thảo luật dân sinh đang chờ xét duyệt thông qua, trong khi các dự luật đang tranh cãi cũng nhiều không kém. Ngoài ra, Quốc hội dự kiến sẽ tiến hành thảo luận vấn đề cải cách cơ chế bầu cử, thu hút sự quan tâm của dư luận. Kỳ họp quốc hội bất thường tháng 3 sẽ kéo dài trong 30 ngày, từ ngày 7/3 cho đến 5/4.


Các dự thảo luật về bụi nhỏ, cải thiện chất lượng không khí

Đầu tiên, phe cầm quyền và phe đối lập đã nhất trí ưu tiên thông qua luật liên quan đến đối sách giải quyết vấn đề bụi nhỏ trong phiên họp toàn thể vào ngày 13/3 tới. Dù vậy, chính giới sẽ khó có thể tránh khỏi bị chỉ trích vì đã đưa ra biện pháp đối phó quá muộn. Bởi tình trạng bụi nhỏ đã xảy ra, điển hình là cảnh báo về bụi nhỏ đã liên tiếp được đưa ra trong suốt 7 ngày qua. Dự luật tiêu biểu liên quan đến bụi nhỏ là dự thảo sửa đổi một phần “Luật cơ bản về sự cố, thảm họa và quản lý an toàn”. Nội dung trọng tâm của dự luật này là quy định vấn đề bụi nhỏ là “thảm họa”. Theo đó, đây trở thành căn cứ để Chính phủ chi ngân sách khi phát sinh tình trạng nồng độ bụi nhỏ ở mức cao. Tuy nhiên, vấn đề tranh cãi là nên xem đây là “thảm họa xã hội”, hay “thảm họa tự nhiên”.

Bên cạnh đó, còn có các dự thảo luật khác như “Luật kinh doanh quản lý an toàn khí dầu mỏ hóa lỏng”, nhằm nới lỏng, hoặc hủy bỏ việc hạn chế sử dụng nhiên liệu khí butan/LPG cho xe ô tô; “Luật cải thiện chất lượng không khí”, với mục đích mở rộng khu vực quản lý không khí ra toàn bộ khu vực địa phương trên cả nước, chứ không chỉ riêng ở Seoul và các vùng lân cận thủ đô. Nhiều dự luật khác cũng đang chờ được thông qua như “Luật đặc biệt về cải thiện môi trường không khí ở khu vực xung quanh nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá”, “Luật bảo tồn môi trường khí quyển”, dự thảo sửa đổi “Luật y tế học đường”, dự thảo sửa đổi “Luật quản lý chất lượng không khí trong nhà”.


Các dự thảo luật dân sinh

Trong kỳ họp lần này, các dự luật chính mà Quốc hội cần phải thông qua là ba dự luật liên quan đến trường mẫu giáo, nhằm tăng cường tính minh bạch về kế toán ở các trường mẫu giáo tư thục. Ba dự luật này gồm “Luật trường học tư thục”, “Luật giáo dục trẻ em” và “Luật cung cấp bữa ăn tại trường học”. Việc sửa đổi luật về trường mẫu giáo có nội dung trọng tâm là cho phép Chính phủ can thiệp vào hoạt động kế toán tài chính của các trường mẫu giáo tư thục, nhằm hạn chế những tiêu cực. Chính phủ và các tổ chức trường mẫu giáo tư thực đã từng một lần mâu thuẫn nghiêm trọng xung quanh vấn đề này. Phía các trường mẫu giáo tư thục cho rằng đây là hành vi xâm phạm quyền tự do tài sản, trong khi đó, Chính phủ khẳng định đó là nghĩa vụ của giáo dục công.

Ngoài ra, các dự luật dân sinh chủ yếu gồm có dự luật về tăng cường sức khỏe và hỗ trợ dịch vụ phúc lợi cho bệnh nhân tâm thần (còn gọi là Luật Lim Se-won), dự luật về mở rộng chế độ thời gian làm việc linh hoạt, dự luật sửa đổi “Luật kinh doanh vận tải taxi”, “Luật kinh doanh vận tải hành khách”, nhằm xây dựng đối sách cho dịch vụ “đi chung xe” (tiếng Anh là “Car Pool”). Dự luật Lim Se-won được đề xuất nhằm mục đích ngăn chặn tái phát vụ việc đáng tiếc như vụ Giáo sư, Bác sĩ Lim Se-won thuộc Khoa sức khỏe tâm thần, bệnh viện Kangbuk Samsung (Seoul), bị một bệnh nhân tâm thần do ông điều trị sát hại vào cuối năm ngoái. Dự luật mở rộng chế độ thời gian làm việc linh hoạt là một dự thảo luật gặp phải sự phản đối của các công đoàn lao động, còn dịch vụ “đi chung xe” cũng đang bị giới kinh doanh taxi truyền thống phản ứng gay gắt.


Thảo luận cải cách cơ chế bầu cử

Vấn đề thảo luận cải cách cơ chế bầu cử cũng là một trong những mối quan tâm lớn của dư luận. Hiện tại, đảng đối lập có số ghế lớn nhất tại Quốc hội là đảng Hàn Quốc tự do đang đối đầu với 4 đảng còn lại về vấn đề này. Ngoài đảng Hàn Quốc tự do, 4 đảng còn lại đang theo đuổi cơ chế bầu cử hỗn hợp nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri và đang xúc tiến phương án nhanh chóng thông qua dự thảo luật này, đồng thời yêu cầu đảng Hàn Quốc tự do đưa ra phương án riêng. Đáp lại, đảng Hàn Quốc tự do yêu cầu đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành phải tiến hành thảo luận cải cách cơ cấu quyền lực trước. Theo đó, không thể không loại trừ khả năng dự thảo luật cải cách cơ chế bầu cử sẽ bị quá thời hạn thẩm định thông qua là đến ngày 15/4, căn cứ theo Luật bầu cử công chức Nhà nước. 

Lựa chọn của ban biên tập