Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên có dấu hiệu khôi phục một cơ sở tên lửa

2019-03-10

Tin tức

ⓒYONHAP News

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, Bắc Triều Tiên đang được cho là có dấu hiệu khôi phục bãi phóng tên lửa xã Dongchang, khiến giới phân tích hết sức quan tâm đến toan tính của chính quyền miền Bắc. Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 5/3 cho biết Bắc Triều Tiên đang khôi phục một phần bãi phóng tên lửa xã Dongchang, và có một số hoạt động ở cơ sở nghiên cứu tổng hợp về tên lửa ở phường Saneum, ngoại ô Bình Nhưỡng.

 

Dấu hiệu tại bãi phóng tên lửa Dongchang

Trước đó, trang web chuyên về Bắc Triều Tiên mang tên "38 North" (Vĩ tuyến 38 độ Bắc) cùng Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ đã tiến hành phân tích hình ảnh vệ tinh và kết luận rằng Bắc Triều Tiên đang có dấu hiệu tái xây dựng bãi phóng tên lửa xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan).

 

Cơ quan tình báo Hàn Quốc hiện đang phân tích dấu hiệu này theo hai hướng. Thứ nhất, động thái của miền Bắc có thể nhằm mục đích đẩy cao hiệu quả quảng bá với cộng đồng quốc tế nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo diễn ra thành công và nước này tiến hành phá dỡ bãi phóng tên lửa xã Dongchang. Thứ hai, động thái có khả năng là nhằm vận hành lại cơ sở tên lửa xã Dongchang sau thất bại trong đàm phán Mỹ-Triều. Về điều này, Bộ Quốc phòng cho biết vẫn đang theo dõi chặt chẽ hoạt động tại hai cơ sở này của miền Bắc, duy trì phối hợp chặt chẽ với cơ quan tình báo và quốc phòng của Mỹ.

 

Bãi phóng tên lửa xã Dongchang là nơi mà Bắc Triều Tiên nhất trí sẽ phá dỡ vĩnh viễn trong “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng” tháng 9 năm ngoái. Trong năm 2018, khi Mỹ và Bắc Triều Tiên khởi động đàm phán, miền Bắc đã bắt đầu công tác phá dỡ cơ sở này, như một số kết cấu di động và bệ phóng thử nghiệm động cơ tên lửa. Đây vốn được coi là một trong những bước đi thiện chí của Bắc Triều Tiên trong việc hướng tới phi hạt nhân hóa, cùng với việc phá hủy cơ sở hạt nhân Punggye (huyện Gilju, tỉnh Bắc Hamgyong).

 

Động thái của Mỹ và Bắc Triều Tiên

Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Washington và Bình Nhưỡng đang đồng thời truyền đi thông điệp vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh về quyết tâm duy trì đối thoại, hy vọng cử đoàn đàm phán tới Bình Nhưỡng trong vài tuần tới. Ngược lại, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton lại đưa ra phát ngôn gây sức ép với miền Bắc, nói rằng nếu Bắc Triều Tiên không phi hạt nhân hóa thì Mỹ sẽ xem xét phương án siết chặt cấm vận với Bình Nhưỡng. Về phần mình, Bắc Triều Tiên cũng có động thái tương tự. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/3 đánh giá hội nghị vừa rồi là một cơ hội quan trọng để đưa quan hệ Mỹ-Triều tiến lên một giai đoạn mới. KCNA cho biết lãnh đạo hai nước đã quyết định sẽ tiếp tục đối thoại một cách hiệu quả trong tương lai. Song mặt khác, Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui lại tuyên bố trước báo giới rằng có vẻ như Mỹ và Bắc Triều Tiên không cần phải tiếp tục cuộc hội đàm này.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Sau thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, hai bên đang “đấu trí” quyết liệt nhằm chiếm ưu thế khi đàm phán được khôi phục. Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui thậm chí còn đề cập tới “một con đường mới” mà Chủ tịch Kim Jong-un đã nhắc tới trong bài phát biểu chúc mừng năm mới. Khi đó, ông Kim cảnh báo rằng nếu Mỹ phán đoán sai lầm về sự nhẫn nại của Bình Nhưỡng, tiếp tục đơn phương gia tăng sức ép và cấm vận, thì nước này không còn cách nào khác là tìm kiếm “một con đường mới”, nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích tối đa cho người dân, cũng như nền hòa bình và sự ổn định cho bán đảo Hàn Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã lên tiếng về động thái khôi phục bãi phóng tên lửa xã Dongchang của miền Bắc, nói rằng sẽ rất thất vọng nếu đó là sự thật. Nếu “Cuộc đấu trí” giữa hai bên bị đẩy lên cao quá, có thể sẽ dẫn tới kết cục mà không bên nào mong muốn. Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang tập trung vào các nỗ lực thúc đẩy khôi phục đàm phán Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập