Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Khác biệt lớn về phi hạt nhân hóa giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ

2019-03-14

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Vẫn có khoảng cách khá lớn trong quan điểm giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa. Ngày 11/3 vừa qua, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiến tới một “thỏa thuận lớn” dứt khoát cho sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc. Ông Biegun đã dẫn đầu các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trước thềm Hội nghị thuợng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai vào cuối tháng trước. Ông Biegun đã nhắc lại quan điểm của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, một nhân vật theo đường lối cứng rắn với miền Bắc, làm dấy lên quan ngại về một bước lùi trong đối thoại Mỹ-Triều. Trong khi đó, Bình Nhưỡng vẫn khăng khăng về một quá trình phi hạt nhân hóa từng phần. Hãy cùng lắng nghe ông Park Won-gon, Giáo sư Quan hệ quốc tế của trường Đại học Handong, phân tích sâu hơn.


Các quan chức chủ chốt của Mỹ vừa định nghĩa một cách rõ ràng phạm vi của phi hạt nhân hóa. Đối với Mỹ, phi hạt nhân hóa có nghĩa là loại bỏ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Bắc Triều Tiên, kể cả vũ khí hóa học và sinh học, cũng như các tên lửa đạn đạo và tất nhiên là vũ khí hạt nhân. Liên quan tới biện pháp phi hạt nhân hóa, trong năm ngoái Washington đã tỏ ra tiếp thu phần nào đối với quá trình phi hạt nhân hóa từng phần và đồng bộ do Bình Nhưỡng đề xuất. Vì vậy, trước hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, các nhà phân tích đã kỳ vọng Mỹ sẽ giữ lập trường trên. Nhưng sau hội nghị bất thành, Washington đã quyết định về một thỏa thuận lớn, một lần và dứt khoát, thay vì phương án từng bước một. Đây là điểm khác biệt chính giữa hai bên.


Tại Hội nghị thuợng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, Mỹ đã từ chối đề xuất của Bắc Triều Tiên là phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyun (tỉnh Bắc Pyongan) để đổi lấy gỡ bỏ cấm vận từ Mỹ, vốn làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân miền Bắc. Giờ đây, Washington yêu cầu Bình Nhưỡng phải xóa sổ tất cả các vũ khí hủy diệt hàng loạt, chứ không chỉ vũ khí hạt nhân, để đổi lấy gỡ bỏ cấm vận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 12/3 cũng nói rằng Bắc Triều Tiên là một mối đe dọa thực sự đối với Mỹ và hối thúc Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói. Tại sao Washington lại chuyển sang lập trường cứng rắn như vậy?


Bắc Triều Tiên, trên thực tế, là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Miền bắc đã sản xuất các đầu đạn hạt nhân và đang vận hành các cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân. Thêm vào đó, nước này sở hữu cả các vũ khí hóa học và sinh học cũng như nhiều tên lửa, với những nhà khoa học hạt nhân đạt tới trình độ chuyên gia. Với việc Bình Nhưỡng sẵn sàng tung ra nhiều con bài đàm phán khác nhau, Washington dường như đã đi tới kết luận rằng, sẽ rất khó để đạt được sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn miền Bắc, nếu toàn bộ quá trình này tiến triển theo phương thức từng phần.


Đối với chính quyền Mỹ, không có nhiều biện pháp để đền bù cho nhiều bước đi phi hạt nhân hóa khác nhau của Bắc Triều Tiên. Nếu Mỹ đồng ý gỡ bỏ 5 biện pháp cấm vận đã được miền Bắc đề xuất tại hội nghị ở Hà Nội chỉ để đổi lấy việc phá dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyun thôi, Washington sẽ phải đưa ra các biện pháp tương ứng cộng thêm trong tương lai trước những con bài đàm phán khác mà Bình Nhưỡng có. Tuy nhiên, Mỹ lại chỉ có rất ít lựa chọn. Do đó, Mỹ không thể chấp nhận phương án phi hạt nhân hóa miền Bắc từng bước một.


Mỹ đã không tán thành gỡ bỏ cấm vận để đổi lấy việc Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa từng phần, bằng việc phá dỡ tổ hợp Yongbyun, xuất phát từ mối lo ngại rằng miền Bắc có thể sẽ tái xây dựng các cơ sở hạt nhân sau đó, như đã làm trước đây. Hơn nữa, có nguồn tin cho rằng Bắc Triều Tiên đang khôi phục bãi thử tên lửa tại xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan). Trong bối cảnh đó, Mỹ dường như ngày một nghiêng về phương án gây sức ép lên miền Bắc.


Trên thực tế, Bình Nhưỡng đang bị nghi ngờ tiếp tục duy trì các chương trình hạt nhân và tên lửa. Ủy ban cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vừa kết luận trong một báo cáo rằng cơ sở hạt nhân chính của miền Bắc ở Yongbyun vẫn đang hoạt động, với lò phản ứng 5 Megawatt tại đây vẫn đang vận hành. Tuy nhiên, ngày 12/3, truyền thông Bắc Triều Tiên lại lên tiếng ủng hộ “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.


Dường như truyền thông Bắc Triều Tiên đã làm rõ lập trường của nước này rằng Bình Nhưỡng sẽ không đi chệch hướng khỏi con đường phi hạt nhân hóa. Các báo cáo gần đây ở cả trong và ngoài Hàn Quốc đã đề cập tới hoạt động tái xây dựng tại bãi phóng tên lửa xã Dongchang và hoạt động ngày một tăng tại cơ sở tên lửa phường Sanum, thủ đô Bình Nhưỡng. Các báo cáo này đã làm dấy lên suy đoán rằng miền Bắc có thể hoàn toàn từ bỏ đàm phán với Mỹ và chọn một lối đi khác, như Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã cảnh báo trong diễn văn chúc mừng năm mới đầu năm nay. Tuy nhiên, truyền thông miền Bắc đã tuyên bố rằng nước này sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa, nhấn mạnh ý định của Bình Nhưỡng nhằm tổ chức đàm phán tiếp theo với Washington, đồng thời khẳng định hai nước đã nhất trí tiếp tục tổ chức đối thoại có hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề đã bàn thảo tại hội nghị ở Hà Nội.


Đây là lần đầu tiên truyền thông Bắc Triều Tiên đề cập tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn kể từ hội nghị thượng đỉnh bất thành giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-un. Dường như Bình Nhưỡng đã hoàn tất lập trường trong nước về phi hạt nhân hóa. Có lẽ, nước này đang gián tiếp gửi đi thông điệp rằng miền Bắc sẽ không có động thái khiêu khích nào để làm xấu thêm tình hình. Thông điệp trên cũng ngụ ý rằng Bắc Triều Tiên sẽ không từ bỏ phương thức phi hạt nhân hóa của mình một cách dễ dàng.


Bắc Triều Tiên vẫn bám chặt vào cái mà nước này gọi là phi hạt nhân hóa “từng phần và đồng bộ”. Nhật báo thống nhất, tờ báo tuyên truyền của chính quyền miền Bắc, ngày 12/3 viết rằng, việc tuân theo nguyên tắc, giải pháp từng bước một là rất quan trọng. Bình Nhưỡng khẳng định rằng nước này không thể vô hiệu hóa tất cả năng lực hạt nhân của mình cùng một lúc nếu không có lòng tin giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ. Chẳng hạn, nếu miền Bắc công bố các cơ sở hạt nhân của mình, rốt cuộc nước này sẽ chỉ nộp cho cho Mỹ các mục tiêu để tấn công nếu đàm phán bất thành. Bình Nhưỡng cho rằng cần phải xây dựng lòng tin trước rồi mới tiến hành phi hạt nhân hóa theo giai đoạn.


Vì mục tiêu này, Bắc Triều Tiên kêu gọi cải thiện quan hệ với Mỹ trước, tiếp đó là sự thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, và một quy trình phi hạt nhân hóa từng bước phù hợp với hành động đáp lại từ Mỹ. Đây chính là những gì hai nước đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. Bình Nhưỡng đang bám chặt lấy dạng thức phi hạt nhân hóa này.


Cả Bắc Triều Tiên và Mỹ đều nhấn mạnh rằng họ đang để ngỏ cánh cửa đối thoại. Đặc phái viên của Mỹ Stephen Biegun vừa cho biết đối thoại với Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục, còn truyền thông miền Bắc cũng bày tỏ cam kết về đối thoại với Mỹ. Điểm then chốt là làm thế nào thu hẹp quan điểm khác biệt giữa hai bên về phi hạt nhân hóa. Động thái của Bắc Triều Tiên nhằm khôi phục một phần bãi phóng vệ tinh Sohae có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hội đàm trong tương lai.


Tôi không cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa từ bãi phóng Sohae, bởi việc phóng tên lửa sẽ không chỉ dẫn tới đàm phán Mỹ-Triều bị gián đoạn, mà còn đẩy quan hệ song phương tới một thảm họa lớn. Tổng thống Mỹ từng tuyên bố rằng nhà lãnh đạo miền Bắc đã hứa sẽ không tiến hành thử hạt nhân hay tên lửa, vì vậy Bắc Triều Tiên sẽ không phải là mối đe dọa với lãnh thổ nước Mỹ. Ông Trump vẫn tự hào rằng đó là thành tựu của mình. Nhưng kể cả nếu miền Bắc khẳng định phóng tên lửa vì mục đích hòa bình chứ không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bản thân động thái này sẽ nhắc nhở Washington về mối đe dọa tiềm tàng từ Bình Nhưỡng. Nếu điều đó xảy ra, các quan chức trong nội bộ nước Mỹ sẽ nghi ngờ về đối thoại với miền Bắc.


Bình Nhưỡng cũng biết rất rõ điều này, nên sẽ không phóng tên lửa hay có bất cứ động thái khiêu khích nào vào thời điểm này. Nhưng Bắc Triều Tiên có thể tin rằng “cuộc chiến cân não” vừa mới bắt đầu và đang dự tính Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba. Tôi cho rằng nước này đang sử dụng bãi phóng tên lửa Sohae như một công cụ nhằm gia tăng lợi thế tại các cuộc đàm phán trong tương lai.


Có thể nói rằng, cuộc chiến cân não Mỹ-Triều đã bước sang giai đoạn mới và dự kiến sẽ còn tiếp tục diễn ra căng thẳng trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập