Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Mỹ tiếp tục gây áp lực miền Bắc bằng chiêu bài nhân quyền

2019-03-14

Tin tức

Mỹ tiếp tục gây áp lực miền Bắc bằng chiêu bài nhân quyền

Mỹ hiện đang liên tiếp gây sức ép lên Bắc Triều Tiên, song có vẻ như đang điều chỉnh mức độ, cho thấy được quyết tâm duy trì động lực đối thoại.


Động thái của Mỹ và Bắc Triều Tiên gần đây

Mỹ đã bày tỏ lập trường “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, yêu cầu “dỡ bỏ thêm các cơ sở hạt nhân khác ngoài cơ sở hạt nhân ở Yongbyun (tỉnh Bắc Pyonan)”, cùng với “giải pháp tổng thể”. Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, rồi đến Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, đều lần lượt bày tỏ lập trường trên. Trong khi đó, miền Bắc đang cho thấy những động thái khôi phục hoạt động của bãi phóng tên lửa tầm xa tại xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan). Sau khi không đạt được thỏa thuận nào tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua, hai bên dường như đang chuẩn bị những “lá bài” gây áp lực lẫn nhau.


Mỹ công bố báo cáo nhân quyền

Trong bối cảnh này, ngày 13/3, Chính phủ Mỹ đã công bố “Báo cáo thường niên” về tình hình nhân quyền của từng quốc gia. Trước đó, ngày 12/3, Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng đã công bố báo cáo, liệt kê chi tiết từng trường hợp vi phạm lệnh cấm vận của miền Bắc. Mặc dù, hai báo cáo này xuất hiện đúng với thời gian quy định, nhưng nếu như tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai vừa qua, Washington và Bình Nhưỡng đạt được một thành quả đàm phán nào đó, thì ý nghĩa có lẽ sẽ khác. Tóm lại, dựa theo những phát biểu của Đặc phái viên Biegun và Ngoại trưởng Pompeo, có thể xem hai báo cáo về tình hình nhân quyền trên là “chiêu bài” gây áp lực lên miền Bắc. Lệnh cấm vận và vấn đề nhân quyền vốn được xem là hai lưỡi dao sắc bén mà Mỹ nhắm vào điểm yếu nhất của Bắc Triều Tiên. 


Mỹ tin tưởng miền Bắc duy trì ngừng thử tên lửa, hạt nhân

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ tin tưởng rằng miền Bắc sẽ duy trì việc ngừng thử tên lửa và hạt nhân. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã từng nhiều lần nhấn mạnh đến việc thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng lời hứa thì có thể dễ dàng nói ra, nhưng điều Washington mong muốn chính là việc Bình Nhưỡng phải “hành động”. Có thể nói, nhận định này là nhằm khẳng định một lần nữa về động thái khôi phục hoạt động bãi phóng tên lửa tầm xa ở xã Dongchang của miền Bắc.


Mỹ chỉnh mức độ nhận định trong báo cáo nhân quyền

Mặt khác, Mỹ cũng đã điều chỉnh mức độ nhận định về tình hình nhân quyền miền Bắc trong báo cáo nhân quyền thường niên. Báo cáo năm 2017 có ghi rõ “người đân Bắc Triều Tiên đã đối diện với tình trạng xâm hại nhân quyền hết sức tàn độc của chính quyền”. Tuy nhiên, báo cáo lần này lại đề cập một cách đơn giản hơn với nhận định “các vấn đề nóng về tình hình nhân quyền như sau”. Cùng với đó, báo cáo còn viện dẫn những dẫn chứng của các cơ quan ngôn luận, hay tổ chức nhân quyền, thay vì sử dụng những tin tình báo của Chính phủ về các trường hợp xâm hại nhân quyền của miền Bắc. 


Mặc dù vậy, báo cáo cũng không quên đề cập đến trách nhiệm của chính quyền Bình Nhưỡng về tình trạng xâm hại nhân quyền, với những cụm từ như “Chính phủ giết người trái pháp luật”, “Chính phủ thực hiện cưỡng chế, tra tấn, tự ý bắt giam”. Nói cách khác, báo cáo chỉ ra tình trạng xâm hại nhân quyền của Bắc Triều Tiên, nhưng đã xóa đi phần “đánh giá chủ quan” của Chính phủ Mỹ là “xâm hại nhân quyền một cách tàn độc của chính quyền miền Bắc”.


Liên hợp quốc cũng đã một lần nữa thắt chặt việc trừng phạt Bình Nhưỡng thông qua báo cáo của Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, trong báo cáo về vấn đề nhân quyền, Liên hợp quốc đang cho thấy thái độ mềm mỏng hơn, cảnh báo miền Bắc không nên đi theo con đường “khiêu khích”, dù các bên vẫn đang duy trì động lực đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập