Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Mâu thuẫn Hàn-Nhật về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến

2019-03-16

Tin tức

ⓒYONHAP News

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso trong cuộc họp của Ủy ban tài chính Hạ viện ngày 12/3 vừa qua phát biểu rằng đang theo sát và xem xét cụ thể biện pháp trả đũa, đối phó với việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho hành vi cưỡng ép lao động thời chiến, tịch thu tài sản tại Hàn Quốc.

 

Biện pháp trả đũa

Kể từ sau khi Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, chính giới nước này đã đề cập tới việc trả đũa Seoul, như nâng thuế nhập khẩu với mặt hàng từ Hàn Quốc, cấm xuất khẩu một số mặt hàng chủ chốt. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, Chính phủ Nhật Bản công khai đề cập cụ thể tới việc trả đũa Seoul.

 

Trước đó, vào ngày 10/3, hãng tin Jiji của Nhật cho biết Tokyo sẽ có biện pháp đối phó, như tăng thuế nhập khẩu, nếu phía nguyên cáo là các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến người Hàn Quốc, bán tài sản bị tịch thu của doanh nghiệp Nhật Bản tại Hàn Quốc. Vào ngày 8/1 vừa qua, Tòa án tối cao đã chấp thuận đề nghị của các nạn nhân bị cưỡng ép lao động về việc tịch thu tài sản tại Hàn Quốc của công ty thép Nippon & kim loại Sumitomo của Nhật Bản. Trước đó, ngày 30/10 năm ngoái, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết yêu cầu công ty này bồi thường thiệt hại về hành vi cưỡng ép lao động thời chiến cho 4 nạn nhân người Hàn, mỗi người 100 triệu won (gần 90.000 USD). Tới ngày 29/11 cùng năm, Tòa án tối cao tiếp tục ra phán quyết tương tự với công ty công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản, công nhận quyền đòi bồi thường của các nạn nhân.

 

Ý nghĩa

Ông Taro Aso từng là Thủ tướng Nhật Bản, hiện là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Việc ông này đề cập công khai tới việc trả đũa Seoul bị chỉ trích là “thẳng thắn quá mức”, phát ngôn thiếu thận trọng. Điểm đáng chú ý là các biện pháp cấm vận mà ông Aso nhắc tới chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế, như thương mại, giao dịch chuyển tiền. Trong thời gian qua, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn giữ nguyên tắc là tách rời vấn đề ngoại giao và kinh tế. Do đó, hai nước vẫn duy trì được hợp tác, bất chấp nhiều vấn đề mâu thuẫn nhạy cảm trong quan hệ song phương. Trên thực tế, mặc dù quan hệ Hàn-Nhật nguội lạnh, nhưng giao lưu hai nước trong năm ngoái vẫn diễn ra hết sức sôi nổi. Lượng người Hàn Quốc thăm Nhật Bản vượt ngưỡng 7,5 triệu người, mức cao kỷ lục. Trong khi lượng người Nhật Bản tới Hàn Quốc trong năm ngoái là 2,92 triệu người, tăng 28,1% so với năm trước. Kim ngạch thương mại song phương đạt 85,2 tỷ USD. Theo đó, nếu Tokyo thực sự áp biện pháp trả đũa với Seoul thì các doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẽ không tránh khỏi chịu thiệt hại lớn. Do đó, bản thân giới doanh nghiệp nước này cũng đang có không ít ý kiến bất bình và lo ngại về lập trường của Chính phủ.

 

Thảo luận cấp Vụ trưởng

Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 14/3 đã mở cuộc họp cấp Vụ trưởng Ngoại giao tại Seoul. Phía Hàn Quốc có Vụ trưởng Đông Bắc Á thuộc Bộ Ngoại giao Kim Yong-gil tham dự, phía Tokyo là Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Kenji Kanasugi. Quan chức hai bên đã tập trung thảo luận về phương án giải tỏa mâu thuẫn Hàn-Nhật xung quanh phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Trong đó, đại diện Hàn Quốc nhấn mạnh việc Tokyo đề cập tới việc trả đũa Seoul trước truyền thông là không thích hợp. Về phần mình, quan chức Nhật Bản cũng đồng tình với lập trường của Hàn Quốc, cho rằng việc đẩy cao mâu thuẫn thông qua biện pháp trả đũa lẫn nhau là không phù hợp. Cơ quan ngoại giao hai nước nhất trí sẽ hợp tác và nỗ lực để không tái diễn những vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Lựa chọn của ban biên tập