Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục sứ mệnh “trung gian” đối thoại Mỹ-Triều

2019-04-12

Tin tức

Tổng thống Hàn Quốc tiếp tục sứ mệnh “trung gian” đối thoại Mỹ-Triều

Xúc tiến sớm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại một lần nữa đứng trước thử thách với vai trò “trung gian”, giúp tháo gỡ những bế tắc trong đối thoại Mỹ-Triều. Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ ngày 11/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ mong muốn sớm xúc tiến Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị Tổng thống Moon nhanh chóng nắm bắt lập trường của Bắc Triều Tiên thông qua Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và thông báo cho Mỹ. Như vậy, Tổng thống Hàn Quốc đã chính thức có những bước đi trong vai trò là cầu nối giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần này đã tái xác định việc duy trì phương thức đàm phán “từ trên xuống”, nhằm xóa bỏ những nhận định cho rằng phương thức này có nhiều hạn chế sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi cuối tháng 2 vừa qua không đạt được thỏa thuận nào. Tiếp tục với phương thức đàm phán này, Tổng thống Moon Jae-in đã bày tỏ ý muốn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và nhận pđược sự ủng hộ của Tổng thống Trump. Theo đó, Tổng thống Moon sẽ lại một lần nữa “thắp lại lửa” cho đối thoại Mỹ-Triều.


Những thách thức với Tổng thống Moon Jae-in

Tuy nhiên, vai trò trung gian của Tổng thống Hàn Quốc lần này khác với thời điểm trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tại Singapore vào năm 2018. Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội, Washington và Bình Nhưỡng đã đưa ra yêu cầu cụ thể của mỗi bên và điều này đã dẫn tới đối thoại đổ vỡ. Nói một cách đơn giản, Mỹ theo đuổi một “thỏa thuận lớn”, tức giải pháp mang tính toàn diện, trong khi miền Bắc muốn thực hiện phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn. Hai bên thật sự đã có cách nhìn nhận khác nhau ngay từ khái niệm “phi hạt nhân hóa”. Tóm lại, Washington muốn giải trừ hạt nhân xong mới hỗ trợ cho Bình Nhưỡng. Còn đối với Bắc Triều Tiên, việc từ bỏ hạt nhân đồng nghĩa với sự sụp đổ của chính quyền, điển hình như trường hợp của Li-bi. Do đó, miền Bắc không thể đặt vận mình đất nước vào “canh bạc” này.


Khoảng vênh trong lập trường giữa Mỹ và Hàn Quốc

Về vấn đề này, trước đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã đề cập đến “thỏa thuận đủ tốt”. Đó là thỏa thuận mang tính toàn diện, tương ứng với “thỏa thuận lớn” của Mỹ, kết hợp với việc thực hiện giải pháp theo từng bước như mong muốn của miền Bắc. Tức, hai bên xác định mục tiêu cụ thể và cuối cùng của biện pháp phi hạt nhân hóa hoàn toàn, rồi tiến hành giải trừ hạt nhân và nhận bồi thường theo từng giai đoạn. Theo đó, giải pháp mà Seoul đề cập đến là “thu hoạch sớm”. Đây là khái niệm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bằng cách vừa thực hiện một hoặc hai biện pháp sớm giải trừ hạt nhân và nhận bồi thường. Đối tượng bồi thường được đề cập đến là giảm nhẹ từng phần biện pháp cấm vận Bắc Triều Tiên, như triển khai lại tour du lịch đến núi Geumgang hay khôi phục hoạt động Khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước không đề cập đến khái niệm “thỏa thuận đủ tốt” tại cuộc gặp thượng định lần này. Phía Mỹ nhận định vẫn còn khá sớm để khôi phục hoạt động Khu công nghiệp Gaesung, hay mở lại tour du lịch núi Geumgang. Thay vào đó, Washington đã nhấn mạnh đến mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vững chắc và việc “phối hợp chặt chẽ” với Seoul. Điều này cho thấy có một chút vênh lệch trong lập trường giữa lãnh đạo Mỹ-Triều.


Bài toán

Có thể nói, “quả bóng” trên sân bây giờ đã được đẩy sang cho “đối thoại liên Triều”. Bài toán cho Tổng thống Moon Jae-in là phải đưa Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un tới bàn đàm phán. Tổng thống Moon phải cho thấy được rằng lập trường của Washington mà ông xác định tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ lần này có thể trở thành động lực để nối lại đối thoại. Ngoài ra, Mỹ cũng thể hiện thái độ có phần ôn hòa hơn với vấn đề hỗ trợ nhân đạo cho miền Bắc.

Về phần mình, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết hiện vẫn chưa có bất cứ quyết định nào về địa điểm hay thời gian tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến dự đoán rằng khả năng cao là hội nghị sẽ diễn ra vào cuối tháng 4, trước hoặc sau ngày kỷ niệm 1 năm Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm 27/4/2018-27/4/2019.

Lựa chọn của ban biên tập