Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính sách kinh tế J-nomics trong hai năm cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-05-13

© YONHAP News

Quy mô kinh tế Hàn Quốc thu hẹp ở mức “báo động đỏ”


Ngày 10/5 vừa qua đã đánh dấu cột mốc tròn hai năm Tổng thống Moon Jae-in lên lãnh đạo đất nước. Trong khi được đánh giá tích cực đối với chính sách đối ngoại như tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, thì mặt khác, Chính phủ đương nhiệm lại bị dư luận kịch liệt chỉ trích về chính sách kinh tế. Mặc dù, năm ngoái Hàn Quốc đã bước vào kỷ nguyên thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD, sau 12 năm đạt mốc 20.000 USD, nhưng các chỉ số kinh tế ảm đạm đang khiến công chúng lo ngại về chính sách kinh tế J-nomics mà Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đang theo đuổi. Điển hình là trong hội nghị tổng kết hai năm chính sách kinh tế của Chính phủ vào ngày 8/5, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hong Nam-ki thừa nhận trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế sang một quốc gia bao trùm, Hàn Quốc đang gặp khó khăn kinh tế, đặc biệt là về kế sinh nhai của người dân. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, chuyên gia kinh tế Chung Chul-jin sẽ điểm lại chính sách kinh tế của Chính phủ và thảo luận một số nhiệm vụ đặt ra trước mắt. Đầu tiên là đánh giá về việc nền kinh tế đạt tăng trưởng âm trong quý I năm nay.


Việc kinh tế tăng trưởng âm trong quý I năm nay thực sự là một cú sốc. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là xuất khẩu đang chững lại. Thực tế, mặc dù tiêu thụ nội địa những năm gần đây vẫn trì trệ là một phần hệ lụy từ lượng khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh, nhưng các chỉ số kinh tế năm 2017 và năm 2018 vẫn khá tốt nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Không quá lời khi nói rằng xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng chíp bán dẫn, đã kéo cả nền kinh tế Hàn Quốc đi lên. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm ngoái, các lô hàng xuất khẩu đã giảm 5 tháng liên tiếp, do xuất khẩu chíp bán dẫn giảm sâu tới 15%, 20%. Hơn nữa, theo một số nhà quan sát, xuất khẩu chíp bán dẫn đang chạm đáy, và không có gì đảm bảo chắc chắn là tình hình sẽ được cải thiện trong quý II.


Vấn đề của chính sách J-nomics là gì?


Tăng trưởng lấy thu nhập làm chủ đạo là yếu tố then chốt của chính sách kinh tế J-nomics. Chính phủ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng cách nâng cao thu nhập của hộ gia đình và cá nhân, thay vì nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Thu nhập nhiều hơn sẽ thúc đẩy tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp tăng đầu tư, tạo ra nhiều việc làm hơn, và hình thành một vòng tuần hoàn kinh tế lành mạnh. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế hiện tại không đồng bộ với lý thuyết tăng trưởng dựa trên thu nhập. Trong quý I, thặng dư cán cân vãng lai của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 7 năm. Số người có việc làm năm 2018 cũng chỉ đạt 26,92 triệu người, tức chỉ tăng 97.000 việc làm so với năm trước đó. Tình hình việc làm có đôi chút cải thiện trong năm nay, nhưng các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là bởi Chính phủ đã đổ tiền ngân sách để tạo ra việc làm ở khu vực công và cho người cao tuổi. Năm 2019, đầu tư, sản xuất, tiêu dùng cá nhân đều giảm, khiến nền kinh tế bị thu hẹp, đến mức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,3% trong quý I. Trong quá khứ, GDP chỉ giảm trước các yếu tố bất ngờ đặc biệt như khủng hoảng tiền tệ hay khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hiếm khi kinh tế Hàn Quốc đối mặt với tăng trưởng âm ngay cả khi không có yếu tố bất lợi quá lớn ở trong và ngoài nước. Vậy đâu là nguyên nhân chính sách kinh tế J-nomics lại không đạt được kết quả tích cực? Ông Chung Chul-jin lý giải.


Một trong những nguyên nhân chính là sáng kiến “tăng trưởng lấy thu nhập làm chủ đạo” đã không tạo ra hiệu ứng như mong đợi. Về cơ bản, chính sách này bắt đầu bằng việc tăng thu nhập hộ gia đình, tức là tiền lương. Chính phủ kỳ vọng khi thu nhập tăng, người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn. Với lập luận như vậy, Chính phủ đã tăng mạnh lương tối thiểu chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, rất khó để nói rằng biện pháp này đã thực sự kích thích tiêu dùng. Đối với khu vực doanh nghiệp, tăng lương khiến chi phí tăng, lợi nhuận giảm. Chính phủ đã không tính đến điều này và trên thực tế những tác động tiêu cực đã bắt đầu xuất hiện.


Chính phủ đẩy mạnh tăng trưởng đổi mới


Vòng tuần hoàn kinh tế chỉ có thể được tạo ra khi tiêu dùng hộ gia đình bù đắp được hoặc lớn hơn thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp. Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng thu nhập tăng 10% không đồng nghĩa với việc tiêu thụ sẽ tăng thêm 10%. Với thực tế này, chính sách kinh tế J-nomics có những hạn chế rõ ràng. Nhận thức sâu sắc về các vấn đề nêu trên, Chính phủ đang tìm kiếm một bước đột phá bằng cách tập trung nhiều vào chính sách “tăng trưởng đổi mới”, một trong ba bình diện của chính sách kinh tế J-nomics, bên cạnh “tăng trưởng lấy thu nhập làm chủ đạo” và “nền kinh tế công bằng”. Chuyên gia Chung Chul-jin giải thích.


Thời gian qua, Chính phủ đã huy động một phần đáng kể các nguồn lực cho chính sách tăng trưởng dựa trên thu nhập. Tuy nhiên, gần đây, Chính phủ bắt đầu chuyển trọng tâm sang chính sách tăng trưởng sáng tạo. Tổng thống Moon Jae-in đã và đang nhiệt tình cổ vũ các ngành công nghiệp mới. Năm ngoái, gần như cả 8 chuyến công tác liên quan đến kinh tế của Tổng thống Moon đều liên quan đến tăng trưởng đổi mới. Gần đây nhất, vào ngày 30/4, Tổng thống đã tham dự lễ công bố "Tầm nhìn chíp bán dẫn hệ thống" với kế hoạch thúc đẩy các chíp bán dẫn không có đặc tính nhớ của Công ty điện tử Samsung. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Chính phủ sẽ thúc đẩy ba ngành công nghiệp là chíp bán dẫn hệ thống, y sinh học và xe tự lái, bồi dưỡng những ngành này trở thành động lực tăng trưởng mới của Hàn Quốc. Chính phủ dường như đang tập trung vào lĩnh vực tăng trưởng đổi mới để vực dậy nền kinh tế.


Năm thứ ba trong nhiệm kỳ và mục tiêu kích thích nền kinh tế


Trên thực tế, trong hai năm qua, Chính phủ rất tích cực với tăng trưởng đổi mới, thông qua việc công bố các kế hoạch cải cách quy chế khác nhau, loại bỏ các quy định không cần thiết để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới phát triển, tạo ra nhiều việc làm. Các kế hoạch bao gồm dỡ bỏ các quy chế đối với lĩnh vực y tế, ngân hàng trực tuyến hay doanh nghiệp tư nhân. Dự kiến, Chính phủ sẽ dốc sức mở rộng đầu tư tư nhân, với chính sách tăng trưởng sáng tạo được định hình cụ thể hơn trong năm 2019, năm thứ ba nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in. Ông Chung Chul-jin khuyến nghị. 


Tất nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là khôi phục kinh tế. Nếu nền kinh tế tụt xuống dưới một ngưỡng nhất định, rất khó khôi phục lại trạng thái ban đầu. Ví dụ, khi nền kinh tế ổn định, nhiệm vụ của Chính phủ chỉ là cải thiện. Nhưng nếu tụt xuống dưới một ngưỡng, Chính phủ sẽ mất nhiều công sức, thậm chí tới 5, 10 năm mới có thể vực dậy nền kinh tế. Tôi cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay đang ở gần  ngưỡng báo động. Tháng trước, Chính phủ đã đề xuất kế hoạch bổ sung ngân sách. Tuy nhiên, mức này vẫn khá nhỏ để có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế. Chính phủ cần huy động mọi nguồn lực để kích thích nền kinh tế, ngăn chặn hiệu quả nguy cơ suy thoái. Đây là nhiệm vụ kinh tế quan trọng của Chính phủ trong năm nay.

Lựa chọn của ban biên tập