Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

39 năm Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5

2019-05-17

Tin tức

39 năm Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5

Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5/1980 là cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân thành phố Gwangju và tỉnh Nam Jeolla để lên án âm mưu nắm giữ quyền lực của chính quyền quân sự mới. 


Bối cảnh ra đời Phong trào vận động dân chủ 18/5

Vào ngày 26/10/1979, Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát, đánh dấu sự chấm hết cho chế độ độc tài kéo dài suốt thời gian ông nắm quyền. Sự kiện này đã khiến cho lòng khao khát và kỳ vọng của người dân về nền dân chủ dâng trào, thậm chí thời kỳ này còn được ví là “mùa Xuân của Seoul”. Tuy nhiên, chế độ quân phiệt đã nổi lên ngay sau đó, khiến cho niềm hy vọng của dân chúng về chủ nghĩa dân chủ bị dập tắt, dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự nổ ra trên toàn quốc.

Đỉnh điểm là vào tháng 5 năm 1980. Chính phủ khi đó quyết định lấy mốc 0 giờ ngày 18/5, mở rộng lệnh giới nghiêm ra toàn quốc, làm bùng nổ “cơn lốc” bắt giữ người dân ở khắp nơi trên cả nước. Tại Gwangju, Lữ đoàn đổ bộ đường không đã được điều động gia nhập vào đội quân giới nghiêm. Ngày 18/5, ngày đầu tiên lệnh giới nghiêm được ban bố trên cả nước, đã xảy ra một cuộc đụng độ giữa sinh viên với đội quân giới nghiêm trong cuộc biểu tình diễn ra tại trường Đại học quốc gia Chonnam ở thành phố Gwangju. Sự kiện này đã châm ngòi cho Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5.

Cuộc đối đầu giữa quân giới nghiêm và người biểu tình

Tại thành phố Gwangju, quân đội giới nghiêm đã đàn áp mạnh mẽ, sử dụng bạo lực rất tàn bạo với sinh viên biểu tình và cả người dân thường. Đáp lại, người dân và sinh viên đã hợp sức đối đầu với quân giới nghiêm, khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Rốt cuộc, quân giới nghiêm đã phải nổ súng, làm số người bị thương gia tăng nhanh chóng. Theo đó, lực lượng biểu tình phải tự trang bị vũ khí bằng cách đánh cắp vũ khí, lấy vũ khí từ kho vũ khí của quân dự bị. Đến ngày 21/5, lực lượng dân quân đã đẩy lùi được quân giới nghiêm. Tuy nhiên, ngày 27/5, quân giới nghiêm đã tổ chức phản công, chiếm lại được Văn phòng tỉnh Nam Jeolla, căn cứ địa của lực lượng dân quân, trấn áp được Phong trào vận động dân chủ Gwangju, và nhiều người biểu tình thiệt mạng trong quá trình này.

Theo thống kê, số người thiệt mạng trong Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5 là 200 người, 400 người mất tích và 5.000 người bị thương. Đây chỉ là con số thống kê chính thức, trên thực tế số nạn nhân có thể còn lớn hơn nhiều.


Những thay đổi liên quan đến Phong trào vận động dân chủ 18/5

Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5 ban đầu đã không được đánh giá đúng với ý nghĩa của nó và được hạ thấp gọi là “Vụ việc Gwangju”. Tuy nhiên, dưới thời Chính phủ Tổng thống Roh Tae-woo, sự kiện này đã được đổi tên thành “Phong trào vận động dân chủ Gwangju”, và sau đó được đổi thành “Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5” và “Phong trào vận động dân chủ 18/5”. Việc bỏ “Gwangju” ra khỏi tên gọi là bởi thành phần người dân tham gia biểu tình vượt ra khỏi khu vực, lan ra trên phạm vi rộng lớn.

Bên cạnh đó, nhiều luật liên quan đến sự kiện này đã được ban bố, bắt đầu với Luật bồi thường cho những người liên quan đến Phong trào vận động dân chủ Gwangju được thông qua năm 1990. Dựa vào đó, Chính phủ đã bồi thường cho những nạn nhân và tiến hành xử phạt những người có tội. Năm 1993, Chính phủ Tổng thống Kim Young-sam đã đánh giá lại Phong trào vận động dân chủ Gwangju 18/5. Vào năm 1997, ngày 18/5 được chỉ định là ngày kỷ niệm quốc gia. Nghĩa trang quốc gia Phong trào dân chủ 18/5 được xây dựng tại quận Buk, thành phố Gwangju để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng.


Sở dĩ có được những thay đổi như trên là nhờ vào những nỗ lực không ngừng trong việc kế thừa tinh thần của Phong trào vận động dân chủ 18/5. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ, cũng như có nhiều ý đồ hòng làm giảm đi ý nghĩa của sự kiện này. Do đó, cho đến nay những nỗ lực làm sáng tỏ sự thật và xử phạt những người có trách nhiệm liên quan vẫn luôn được tiến hành.

Lựa chọn của ban biên tập