Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính phủ đề cập tới việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu

2019-06-08

Tin tức

ⓒYONHAP News

Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 2/6 phát biểu rằng đã tới lúc cần thảo luận trong xã hội về vấn đề kéo dài độ tuổi nghỉ hưu. Như vậy là Chính phủ đã chính thức đề xuất vấn đề kéo dài độ tuổi nghỉ hưu. Độ tuổi nghỉ hưu hiện hành của Hàn Quốc là 60 tuổi, nhiều khả năng sẽ được nâng lên thành 65 tuổi.

 

Bối cảnh

Kéo dài độ tuổi nghỉ hưu trên thực tế được dư luận xã hội đề cập tới như một điều bất khả kháng, trong bối cảnh tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa, độ tuổi kỳ vọng ngày càng tăng, dân số trong độ tuổi lao động giảm, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi tăng mạnh. Đặc biệt, tốc độ già hóa dân số của Hàn Quốc đang diễn ra nhanh nhất trên thế giới, cần nhanh chóng lập đối sách. Vấn đề lớn nhất hiện nay là sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động. Xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm ngoái, dự báo mức giảm sẽ ngày một lớn hơn. Điều này sẽ làm giảm sức sống nền kinh tế, gia tăng gánh nặng chăm sóc người cao tuổi, kéo tụt nền kinh tế đi xuống. Tỷ lệ người già phụ thuộc, tức số người cao tuổi mà 100 người ở độ tuổi lao động phải cấp dưỡng, hiện là 20,4 người (số liệu năm 2019). Cục thống kê quốc gia dự báo nếu tiếp tục xu hướng già hóa hiện nay, tỷ lệ này sẽ tăng lên 102,4 người vào năm 2067. Có nghĩa là cứ 100 dân số trong độ tuổi lao động lại phải cấp dưỡng cho 20 người cao tuổi, và tăng lên thành 102 người vào năm 2067.

 

Kéo dài độ tuổi nghỉ hưu

Việc Phó Thủ tướng Hong Nam-ki đề cập tới vấn đề kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cho thấy Chính phủ đã chính thức bắt tay vào thực hiện các bước đi cụ thể. Sự thay đổi cơ cấu dân số đang dẫn tới nhiều hệ lụy, như số dân trong độ tuổi lao động giảm dần, nhiều người cao tuổi lâm vào tình trạng nghèo túng. Do đó, Chính phủ cần phải xây dựng đối sách phù hợp với sự thay đổi này. Trong đó, giải pháp được coi là hiệu quả và thiết thực nhất chính là kéo dài độ tuổi nghỉ hưu. Hiện tại, độ tuổi nghỉ hưu theo quy định pháp luật là 60 tuổi. Dân số trong độ tuổi lao động là từ 15 tới 64 tuổi, người cao tuổi là người trên 65 tuổi. Theo ước tính của Cục thống kê quốc gia, nếu áp dụng độ tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi, dân số trong độ tuổi lao động là từ 15 tới 70 tuổi, thì tỷ lệ người già phụ thuộc sẽ giảm đi từ 20,4 người như hiện nay xuống 13,1 người, và giảm còn 83,3 người vào năm 2065. Về mặt số liệu, rõ ràng việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu mang lại hiệu quả rất lớn. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết, yêu cầu phải kéo dài độ tuổi lao động tối đa từ 60 tuổi lên 65 tuổi. Độ tuổi lao động tối đa là độ tuổi cao nhất mà một người lao động chân tay được cho là có đủ sức để làm việc, kiếm thu nhập. Phán quyết này cho thấy Tòa án cũng công nhận việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi là điều hợp lý và khuyến nghị sửa đổi.

 

Tranh cãi và lo ngại

Việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu có thể dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn, như làm trầm trọng thêm vấn nạn thất nghiệp ở thanh niên, từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa các thế hệ. Về điều này, Phó Thủ tướng Hong cho biết Chính phủ đang xem xét phương án để việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu sẽ không gây ảnh hưởng tới việc làm của tầng lớp thanh niên. Ngoài ra, việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu cũng có thể gây gánh nặng cho doanh nghiệp, khiến các công ty tự cắt giảm việc làm. Trước đó, Chính phủ nâng lương tối thiểu với mục đích tăng thu nhập cho tầng lớp người dân bình thường, nhưng điều này lại khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ bị phá sản, làm tình trạng thất nghiệp thêm trầm trọng. Hiện tượng này có thể lặp lại nếu kéo dài độ tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, còn một số tác dụng phụ chưa thể lường hết, nên Chính phủ cần phải tiếp cận vấn đề độ tuổi nghỉ hưu một cách hết sức thận trọng.

Lựa chọn của ban biên tập