Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực dự kiến giảm đến 20% trong nửa cuối năm 2019

2019-06-07

Tin tức

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực dự kiến giảm đến 20% trong nửa cuối năm 2019

Xuất khẩu chíp bán dẫn dự báo giảm 20% 

Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) thuộc Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đã đưa ra dự báo rằng xuất khẩu chíp bán dẫn, thiết bị vô tuyến viễn thông và màn hình LCD có thể giảm tối thiểu 6% đến tối đa 20% trong nửa cuối năm nay. Xuất khẩu tàu, xe ô tô, thép được dự đoán sẽ ổn định, hoặc giảm từ 2% đến 3%. Điều này đồng nghĩa triển vọng kinh tế nửa cuối năm nay không mấy khả quan. Bởi Hàn Quốc là nước có nền kinh tế phụ thuộc cao vào xuất khẩu, và các mặt hàng trên đều giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế Hàn Quốc.

Dự báo xuất khẩu của 6 ngành công nghiệp chủ lực giảm được phân tích là do hiệu ứng cơ sở, giá thành giảm và sự thay đổi môi trường thương mại. Vấn đề đặt ra là đa số các yếu tố này vẫn sẽ tiếp tục là những nhân tố bất ổn cho kinh tế Hàn Quốc trong tương lai. Cụ thể, xuất khẩu chíp bán dẫn giảm mạnh trong năm nay do xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trưởng cao trong năm ngoái. Song, một nguyên nhân thực tế nữa là do ngành chíp bán dẫn của Hàn Quốc đang bị trói buộc với cơ cấu sản xuất tập trung vào chíp nhớ. Cùng với đó, mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung đang dần trở thành cuộc chiến công nghệ cao, và những hệ lụy của nó có thể sẽ tác động trực tiếp đến Hàn Quốc.


Biện pháp đối phó của các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp liên quan đều đang nỗ lực tận dụng nguồn lực trí tuệ để tạo ra các sản phẩm hàng đầu trong tương lai. Công ty điện tử Samsung, hay hãng SK Hynix đang có kế hoạch tái cơ cấu với quy mô lớn để thoát khỏi sự tập trung vào sản xuất chíp nhớ. Hãng ô tô Hyundai cũng xúc tiến chiến lược dài hạn để chiếm lĩnh thị trường xe tương lai như xe chạy bằng nhiên liệu hydro. Bên cạnh đó, sau một thời gian gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tái cơ cấu trên quy mô lớn, ngành đóng tàu đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những nỗ lực của các doanh nghiệp trên còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thế giới đã bắt đầu bước vào thời kỳ tái cơ cấu trật tự thương mại toàn diện. Việc Mỹ tung một “cú đánh” với tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã biến mâu thuẫn song phương trở thành một cuộc chiến về công nghệ. Theo đó, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp Hàn Quốc có thể trở thành mục tiêu tấn công từ bất cứ một quốc gia nào, vào bất kỳ lúc nào.


Lo ngại

Việc Mỹ giáng một đòn mạnh vào doanh nghiệp công nghệ thông tin của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại động thái này của Mỹ có thể sẽ rẽ hướng sang ngành công nghiệp chíp bán dẫn của Hàn Quốc. Hiện tại, Hàn Quốc đang giữ vị thế là một “kẻ mạnh tuyệt đối” trên thị trường chíp bán dẫn thế giới. Do đó, ngành công nghiệp chíp bán dẫn của Hàn Quốc có thể chịu đòn tấn công không chỉ từ Mỹ, mà còn cả từ Nhật Bản. Thậm chí, kịch bản tồi tệ nhất là Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu sức ép lớn từ mặt trận liên minh Mỹ-Trung-Nhật. Trên thực tế, trước những lo ngại này, hãng điện tử Samsung được cho là đang tất bật tìm kiếm đối sách.


Triển vọng

Triển vọng xuất khẩu của các ngành công nghiệp chủ lực có thể sẽ được đổi từ mức giảm trong 6 tháng cuối năm nay sang xu thế hồi phục trong nửa đầu năm tới. Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, khó có thể lạc quan được bởi các yếu tố bất ổn vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi. Do vậy, trước hết, các doanh nghiệp một mặt cần phải dồn toàn lực để tăng cường sức cạnh tranh, mặt khác phải ứng phó một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng với sự thay của trật tự thương mại toàn cầu. Thêm vào đó, Chính phủ cần phải đưa ra các chính sách và nỗ lực ngoại giao để cùng với doanh nghiệp đối phó tình hình một cách chiến lược. Phải như vậy thì Hàn Quốc mới giữ vững được ngành công nghiệp chủ lực, “chìa khóa” cho nền kinh tế, và duy trì được động lực tăng trưởng.

Lựa chọn của ban biên tập