Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Đạt được thỏa thuận nguyên tắc với Anh về FTA song phương

2019-06-10

Tin tức

Đạt được thỏa thuận nguyên tắc với Anh về FTA song phương

Hàn Quốc có thể an toàn đối phó với Brexit

Hàn Quốc và Anh ngày 10/6 đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Đây được xem như là một phương án an toàn để đối phó với khả năng Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào (còn gọi là “No Deal Brexit”). Nói cách khác, Anh sẽ lựa chọn con đường rời khỏi EU mà không chuẩn bị trước phương án đối phó với những hệ quả từ việc này. Sau khi rút khỏi EU, London sẽ không còn phải tuân thủ quy định của EU nữa, đồng thời không nhận được bất cứ ưu đãi nào với tư cách là thành viên của EU. Về mặt giao thương, nước này sẽ áp dụng cơ chế của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).


Vấn đề Anh rút khỏi EU

Theo thỏa thuận ban đầu, Anh và EU đã chọn thời điểm Anh rời khỏi EU là ngày 29/3/2019, đồng thời nhất trí thời gian cho quy trình chuyển đổi là 21 tháng, cho đến cuối năm 2020. Tức, Anh cần phải trải qua thời kỳ chuyển đổi để có thể an toàn rời khỏi EU. Trong khoảng thời gian này, mặc dù không thể tham gia vào các quyết định của Liên minh châu Âu, song Anh vẫn có thể nhận các ưu đãi với tư cách thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, bản thỏa thuận rút khỏi EU cụ thể đã không được Quốc hội Anh thông qua, khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến Thủ tướng Anh Theresa May quyết định từ chức. Ngoài ra, thời gian Anh rời khỏi EU cũng bị hoãn lại đến ngày 31/10 năm nay. Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, ứng cử viên có khả năng cao sẽ đắc cử Thủ tướng Anh nhiệm kỳ tới, lại là một đại diện có tư tưởng cứng rắn trong quyết định rút khỏi Liên minh châu Âu. Do đó, nếu ông Boris Johnson đắc cử Thủ tướng, lập trường của Chính phủ Anh sẽ càng quyết liệt hơn. Trên thực tế, cựu Ngoại trưởng Johnson đã từng tuyên bố Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới cho dù có đạt được thỏa thuận hay không. Điều này làm dấy lên khả năng London rời khỏi EU mà không cần đạt bất kỳ thỏa thuận nào.


Quan hệ thương mại Hàn-Anh

Sau Đức, Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc trong EU. Với tư cách là một nước thành viên EU, Anh đang có các hoạt động giao thương với Hàn Quốc dựa trên Hiệp định thương mại tự do Hàn-EU. Nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu mà không đạt được thỏa thuận nào, Hàn Quốc sẽ chịu một cú sốc lớn bởi không còn được ưu đãi miễn giảm thuế của FTA Hàn-EU nữa. Theo đó, việc Seoul đạt được thỏa thuận riêng về FTA với London đã tạo ra nền tảng an toàn để đối phó với khả năng “No Deal Brexit”.

Thỏa thuận mới giữa Anh và Hàn Quốc được ký theo phương thức là “biện pháp tạm thời” để đối phó với việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, bởi thực tế Anh vẫn còn đang là thành viên của EU. Trọng tâm của thỏa thuận là đưa mối quan hệ thương mại Hàn-Anh lên ngang hàng với FTA Hàn-EU.


Triển vọng

Hiện tại, có ba kịch bản được đưa ra: một là Anh rời khỏi EU mà không đạt bất kỳ thỏa thuận nào, hai là hai bên đạt được thỏa thuận và ba là hai bên tiếp tục gia hạn thời gian Anh rút khỏi EU. Trường hợp kịch bản thứ nhất xảy ra, FTA Hàn-Anh phải được Quốc hội thông qua, với thời hạn cho đến ngày 31/10. Nếu không, kể từ ngày 1/11, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc sang Anh như ô tô sẽ bị áp thuế 10%. Thỏa thuận lần này còn được xem như là căn cứ cho đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do Hàn-Anh ở mức cao hơn trong tương lai. Hai năm sau khi thỏa thuận phát huy hiệu lực, Seoul và London sẽ xem xét và tiến hành đàm phán ở mức cao hơn. Theo đó, có thể nói, Hàn Quốc đã có được đối sách cho việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, dù là với kịch bản nào đi chăng nữa.





Lựa chọn của ban biên tập