Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản vi phạm luật thương mại quốc tế 

2019-07-05

Tin tức

Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản vi phạm luật thương mại quốc tế 

Phủ Tổng thống Hàn Quốc quy kết việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc là vi phạm toàn diện luật thương mại quốc tế, và đang xem xét phương án khởi kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, Chính phủ cũng đang lập nhiều chiến lược đa dạng như tham vấn song phương, nỗ lực về mặt ngoại giao với cộng đồng quốc tế, để làm rõ sự vô lý trong hành động của Tokyo.


Căn cứ pháp lý 

Nếu khởi kiện Nhật Bản lên WTO, nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ nêu ra Điều 11 Hiệp định về thuế quan và thương mại (GATT), có nội dung cấm các nước áp đặt hạn chế số lượng trong giao dịch thương mại, nếu không phải là trường hợp đặc biệt. Nhật Bản áp đặt quy chế xuất khẩu mới sang Hàn Quốc với ba mặt hàng vật liệu thiết yếu trong ngành công nghiệp sản xuất chíp bán dẫn và màn hình. Thay vì được ưu đãi đơn giản hóa quy trình xuất khẩu như trước đây, từ nay các doanh nghiệp Nhật Bản phải trình Chính phủ phê duyệt với mỗi hợp đồng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Theo đó, biện pháp này tương ướng với hành vi hạn chế về mặt số lượng. Trong trường hợp hai nước tranh cãi về Điều 11 GATT, nhiều khả năng Tokyo sẽ nêu ra căn cứ phản bác là ba mặt hàng này gây ảnh hưởng tới an ninh của Nhật Bản. Theo quy định của WTO, một quốc gia có thể áp đặt trừng phạt về thương mại với đối tác khác nếu lý do liên quan tới an ninh quốc gia. Điều khoản này trên thực tế chưa từng được áp dụng nhưng đã liên tục được nhắc tới kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Điển hình là việc Mỹ áp đặt mức thuế cao với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ nước ngoài viện lý do an ninh. Nga cũng lấy lý do an ninh quốc gia để ngăn chặn trung chuyển hàng hóa của Ukraina. Tháng 4 năm nay, Cơ quan phúc thẩm của WTO đã tuyên bố Nga thắng kiện.

Mặt khác, Nhật Bản đang xúc tiến sửa đổi luật liên quan nhằm loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” gồm 27 quốc gia có mối quan hệ hữu hảo với nước này. Điều này cho thấy Tokyo cũng đang chuẩn bị trước cho khả năng giải quyết tranh chấp với Seoul tại WTO.


Lập trường mâu thuẫn của Nhật Bản

Nhật Bản đang tự mâu thuẫn với chính mình về lý lẽ pháp lý. Tokyo từng khởi kiện Trung Quốc lên WTO về việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang nước này, và đã được tuyên thắng kiện vào năm 2014. Vào năm 2010, Trung Quốc từng áp đặt hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi hai nước nổ ra tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Khi đó, Nhật Bản quy kết biện pháp của Trung Quốc làm lung lay mạng lưới cung cấp quốc tế, đe dọa kinh tế thế giới. Vậy mà giờ đây, Tokyo đang lặp lại y nguyên hành động của Bắc Kinh. Việc Nhật Bản biện minh động thái siết chặt quy chế xuất khẩu với lý do an ninh cũng sẽ mâu thuẫn với Thỏa thuận Wassenaar về kiểm soát xuất khẩu những mặt hàng bị nghi ngờ vào mục đích quân sự, như vũ khí. Thỏa thuận quy định không được nhắm đến một quốc gia cụ thể, cũng không được cản trở các giao dịch dân sự thông thường. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ áp đặt biện pháp này với Hàn Quốc, gây cản trở giao dịch giữa doanh nghiệp của hai nước, rõ ràng đi ngược lại tinh thần của Thỏa thuận Wassenaar.

Động thái trả đũa của Nhật Bản cũng đi ngược lại Tuyên bố Osaka được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn) vào cuối tháng trước, có nội dung về xây dựng một môi trường thương mại tự do, công bằng, và không phân biệt. Nhật Bản đã đóng vai trò chủ đạo trong quá trình soạn thảo tuyên bố này với tư cách là nước Chủ tịch. Vậy nhưng, Tokyo lại đang thực hiện hành động mâu thuẫn với Tuyên bố này khi văn kiện còn chưa “ráo mực”.

Lựa chọn của ban biên tập