Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tổng thống toạ đàm với doanh nghiệp về động thái trả đũa kinh tế của Nhật Bản

2019-07-13

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổng thống Moon Jae-in ngày 10/7 đã tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn lớn trong nước, hối thúc Chính phủ Nhật Bản phản hồi đề xuất của Hàn Quốc về giải quyết vấn đề Tokyo áp đặt biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu với Seoul, theo hướng ngoại giao.

 

Tổng thống tọa đàm với doanh nghiệp

Tham dự cuộc tọa đàm có lãnh đạo 30 tập đoàn lớn với tổng tài sản trên 10.000 tỷ won (khoảng 8,5 tỷ USD), trong đó có 5 tập đoàn hàng đầu là Samsung, Hyundai, Lotte, SK, LG. Tổng thống khẳng định Chính phủ đang dốc toàn lực để lập đối sách, đồng thời kêu gọi Nhật Bản rút lại biện pháp vô lý của nước này. Tổng thống hy vọng Tokyo sẽ không để vấn đề đi vào ngõ cụt.

 

Trước đó, Tổng thống Moon cũng đã chính thức lần đầu lên tiếng yêu cầu Nhật Bản rút lại biện pháp trả đũa kinh tế vào ngày 8/7. Khi đó, Tổng thống kêu gọi Nhật Bản tiến hành thảo luận song phương, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đối phó cần thiết nếu động thái của Tokyo gây thiệt hại cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Lần này, Tổng thống tiếp tục hồi thúc Tokyo hành xử một cách thiện chí. Tổng thống nêu rõ việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu là mang động cơ chính trị. Đặc biệt, việc Tokyo tung tin Seoul vi phạm cấm vận với Bắc Triều Tiên một cách vô căn cứ là không phù hợp với quan hệ hữu nghị và hợp tác an ninh giữa hai quốc gia. Trước đó, vào ngày 1/7, Nhật Bản công bố siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc, lấy lý do là tại Hàn Quốc đã phát sinh “những vấn đề không phù hợp”. Đến ngày 7/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng Hàn Quốc phải tuân thủ nghiêm túc lệnh cấm vận với miền Bắc. Tổng thống Moon Jae-in cảnh báo động thái của Tokyo hoàn toàn không mang lại lợi ích cho kinh tế hai nước, có thể tác động xấu tới cả nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Seoul sẽ xúc tiến hợp tác với các nước để đối phó.

 

Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu

Động thái vừa qua của Tokyo nhắm vào ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao có vai trò quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình tivi, smartphone, là nhựa nhiệt dẻo, khí ăn mòn và chất cản màu. Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản khi xuất khẩu ba mặt hàng trên sang Hàn Quốc sẽ phải đệ trình Chính phủ nước này phê duyệt theo quy trình mới phức tạp hơn. Có nghĩa, Nhật Bản đã loại Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi về đơn giản hóa quy trình xuất khẩu. Điều này cho phép Chính phủ Nhật Bản có thể không phê chuẩn hoặc trì hoãn việc phê chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Các mặt hàng bị siết chặt quy chế xuất khẩu đều là những vật liệu thiết yếu để sản xuất chíp bán dẫn và màn hình, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc. Seoul phụ thuộc lớn vào Tokyo về cả ba mặt hàng này, nên khó tìm được nguồn nhập khẩu thay thế trong thời gian ngắn. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn và màn hình trong nước sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, trường hợp xấu nhất là có thể phải dừng sản xuất. Nội bộ dư luận Nhật Bản cũng có nhiều ý kiến phản đối, lo ngại biện pháp trên sẽ chặn đường xuất khẩu của doanh nghiệp, thậm chí cản trở mạng lưới cung ứng hàng hóa từ Hàn Quốc.

 

Đối phó của Chính phủ

Tổng thống Moon nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề lần này theo hướng ngoại giao, song Chính phủ cũng đang tích cực đấu tranh về mặt dư luận quốc tế, đồng thời xem xét phương án khởi kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nhiều ý kiến cho rằng, nhân vụ việc này, Chính phủ phải lập đối sách dài hạn để giảm mức độ phụ thuộc vật liệu, phụ kiện vào nước ngoài. Trong buổi tọa đàm với đại diện doanh nghiệp, Tổng thống khẳng định sẽ tăng mạnh ngân sách để bồi dưỡng ngành công nghiệp linh kiện, vật liệu, trang thiết bị sản xuất, đẩy mạnh tỷ lệ sản xuất trong nước. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ dốc toàn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, như về thuế, tài chính.

Lựa chọn của ban biên tập