Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cuộc sống ở thủ đô Bình Nhưỡng

2019-08-08

Vì một bán đảo thống nhất

© KBS

Bình Nhưỡng là bộ mặt đại diện cho Bắc Triều Tiên. Chính vì lẽ đó mà thành phố thủ đô này được Nhà nước đầu tư đặc biệt, từ khẩu phần lương thực đến cơ sở hạ tầng trọng yếu. Hôm nay, hãy cùng lắng nghe lý do tại sao Bình Nhưỡng được coi là một thành tố rất quan trọng ở miền Bắc cũng như thực trạng cuộc sống nơi đây qua phần phân tích của giáo sư thỉnh giảng Hyun In-ae đến từ Khoa Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, Đại học nữ Ewha.

 

Bình Nhưỡng là thủ đô cách mạng của Miền Bắc

Khi chính quyền lâm thời Bắc Triều Tiên lúc bấy giờ là Cơ quan hành chính trung ương được thành lập vào năm 1946, Bình Nhưỡng đã được tách ra từ tỉnh Nam Pyongan và trở thành ”đô thị loại đặc biệt. Sau này, nó được đổi thành phố thuộc trực thuộc trung ương để phát triển thành một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa quốc gia. Vào thời xa xưa, Bình Nhưỡng là thủ đô vương quốc Goguryeo của bán đảo Hàn Quốc cổ đại và được gọi là Seogyeong trong thời kỳ triều đại Goryeo. Ở Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng được phát triển thành thành phố Cách mạng khi nhà sáng lập quốc gia Kim Nhật Thành chỉ thị cho con trai ông là Kim Jong-il tái thiết lập thủ đô vào năm 1975. Năm 1998, nước này ban hành luật liên quan đến việc quản lý Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng được xem là trái tim của Cuộc cách mạng và là biểu tượng của chế độ Bắc Triều Tiên, một nơi lý tưởng để quốc gia này thể hiện với thế giới bên ngoài. Thẻ công dân được cấp cho những người sống ở thủ đô, thể hiện một đặc quyền quan trọng chỉ dành cho công dân Bình Nhưỡng. Trong khi cư dân ở các khu vực khác cần có giấy thông hành đặc biệt để vào thủ đô, thì những người có thẻ công dân Bình Nhưỡng được phép đi du lịch ở các khu vực lân cận mà không cần bất kỳ giấy tờ nào. Nguồn điện được cung cấp tương đối ổn định. Đặc biệt, hệ thống phân phối vẫn được áp dụng ở Bình Nhưỡng ngay cả trong thời kỳ “tháng Ba gian khổ”, cuộc khủng hoảng lương thực khiến hơn một triệu người chết đói. Tuy nhiên, những đặc quyền này phải đi kèm với nhiệm vụ.

 

Công dân thủ đô là hình mẫu cho cả nước và được hưởng nhiều đặc quyền

Hầu hết người nước ngoài đã đến thăm Bắc Triều Tiên đều thấy Bình Nhưỡng khá sạch đẹp. Trên thực tế, công dân thủ đô được huy động để dọn vệ sinh từ vài tháng trước thềm các sự kiện quốc tế hoặc khi có khách nước ngoài đến thăm. Học sinh phải ngừng học trong nhiều tháng để chuẩn bị cho các sự kiện đồng diễn thể dục. Nhân viên văn phòng cũng thường xuyên phải tham gia các sự kiện quan trọng. Mặc dù vậy, công dân Bình Nhưỡng vẫn thể hiện lòng trung thành nhiều hơn người dân ở bất kỳ khu vực nào khác, do được hưởng nhiều lợi ích khác nhau. Chỉ những người có nhân thân tốt, trung thành với đảng và nhà lãnh đạo, mới được cấp quyền công dân Bình Nhưỡng. Những người có bất kỳ sai sót gì trong lý lịch đều bị loại. Nếu công dân không tham gia vào các đợt huy động đại chúngrất có thể sẽ bị tống khỏi Bình Nhưỡng. Các quan chức cấp cao, những người trung thành phục vụ đảng, Chính phủ hoặc quân đội và tầng lớp doanh nhân giàu có mới nổi (được gọi là donju) thường sống ở Bình Nhưỡng, nơi có mức sống khá cao.

 

Vấn đề phân cực giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng

Tờ Bưu điện Washington đã dùng một từ mới “Pyonghattan” năm 2016 để mô tả cuộc sống của những người giàu có ở Bắc Triều Tiên, hàm ý là cuộc sống xa hoa nằm ngoài sức tưởng tượng của giới thượng lưu Bình Nhưỡng, được ví với khu Manhattan sang chảnh của New York (Mỹ). Diện mạo bên ngoài của thành phố Bình Nhưỡng đã được cải thiện đáng kể. Nhiều con đường và khu phố mới mọc lên dưới thời chính quyền Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, bao gồm khu phố các nhà khoa học Unha hoàn công vào năm 2013, phố các nhà khoa học vệ tinh năm 2014 và phố các nhà khoa học tương lai năm 2015. Năm 2017, Bình Nhưỡng đã mở thêm đường Ryomyong với các tòa nhà cao tầng, trong đó có một căn hộ cao cấp 70 tầng. Dự án quy mô lớn đã được hoàn thành chỉ một năm sau khi khởi công xây dựng.

Cách ăn mặc của người dân Bình Nhưỡng cũng có sự biến chuyển lớn. Trước đây, trang phục của họ trông gần giống nhau. Nhưng ngày nay, phụ nữ bắt đầu mặc quần áo sáng màu hơn và đi giày cao gót. Nhiều người dân liên lạc qua điện thoại di động và di chuyển bằng taxi. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển mạnh mẽ, sự phân cực của cải cũng ngày càng sâu sắc hơn ở Bình Nhưỡng.

Khu vực trù phú phía Bắc sông Taedong ở Bình Nhưỡng là nơi tập trung các cơ quan trung ương như đảng Lao động hay Lực lượng vũ trang nhân dân, trong khi phía bên kia sông là khu ổ chuột của người lao động. Rào cản vô hình phân chia hai bờ sông ở Bình Nhưỡng đang lan rộng thành vấn đề phân cực nghiêm trọng nổi lên trên khắp cả nước. Chính sách ưu đãi dành cho Bình Nhưỡng cùng với sự ra đời của nền kinh tế thị trường có thể khiến mọi người tin rằng nền kinh tế Bắc Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể, ít nhất là trên bề nổi. Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng bất bình đẳng xã hội và khoảng cách giàu nghèo nơi đây đang rung lên một hồi chuông cảnh báo với chính quyền thành phố, rằng nếu không có các biện pháp cải cách toàn diện thì vấn đề sẽ diễn biến ngày càng trầm trọng hơn.

Lựa chọn của ban biên tập