Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Đối sách khẩn cấp ổn định thị trường chứng khoán và ngoại hối

2019-08-07

Tin tức

Đối sách khẩn cấp ổn định thị trường chứng khoán và ngoại hối

Tổ chức cuộc họp tài chính kinh tế vĩ mô khẩn cấp
 
Chính phủ Hàn Quốc ngày 7/8 đã mở cuộc họp tài chính kinh tế vĩ mô khẩn cấp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Kế hoạch và tài chính. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki, Thống đốc Ngân hàng trung ương (BOK) Lee Joo-yeol, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính (FSC) Choi Jong-ku và Giám đốc Cơ quan giám sát tài chính (FSS) Yoon Suk-heun. Đây là cuộc họp đầu tiên được tổ chức kể từ sau cuộc họp ngày 4/9/2017, thời điểm ngay sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Bắc Triều Tiên. Các quan chức đã thảo luận tình hình sau vụ Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu, và việc Mỹ chỉ định Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá hối đoái.


Biện pháp ổn định thị trường

Các lãnh đạo kinh tế, tài chính Hàn Quốc đồng loạt nhấn mạnh về việc ổn định thị trường trong tình hình hiện nay. Cuộc họp đã đề cập tới việc ổn định nguồn cung trên thị trường chứng khoán, giảm nhẹ quy chế mua lại cổ phiếu và siết chặt quy chế bán khống. Chính phủ khẳng định sẽ thực thi biện pháp ổn định thị trường một cách chủ động và cứng rắn, nếu thị trường ngoại hối rơi vào bất ổn. Ngoài ra, các cơ quan Chính phủ cam kết sẽ dốc toàn lực để khôi phục đầu tư, xuất khẩu, nhằm vực dậy nền kinh tế vượt qua khó khăn. Về phần mình, Ngân hàng trung ương cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ.

Trong bối cảnh mâu thuẫn Hàn-Nhật leo thang, thị trường càng lao đao hơn sau khi Mỹ chỉ định Trung Quốc là quốc gia thao túng tỷ giá hối đoái. Chỉ số giá cổ phiếu trong nước đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3-4 năm trở lại đây, cho thấy xu hướng bất ổn nghiêm trọng. Trong khi đó, tại thị trường ngoại hối, tỷ giá won-USD đã lần đầu vượt ngưỡng 1.200 won đổi 1 USD trong ba năm qua. 

Một chính sách ổn định thị trường chứng khoán đáng chú ý là việc Chính phủ siết chặt quy chế về bán khống cổ phiếu. Các cơ quan giám sát tài chính cho biết đã xem xét đầy đủ về việc siết chặt quy chế bán khống cổ phiếu, và có thể triển khai thực hiện bất cứ lúc nào. Bán khống cổ phiếu là một hành vi vay cổ phiếu để bán ra, sau đó chờ giá cổ phiếu xuống thấp để mua lại với giá rẻ. Đây là hành vi nhằm thu lợi nhuận chênh lệch khi giá cổ phiếu được dự báo sẽ có chiều hướng giảm. Điều này có thể tác động tích cực khi thị trường chứng khoán ổn định. Nhưng khi thị trường chứng khoán bất ổn, hành vi bán khống có nguy cơ khiến biến động gia tăng, như giá cổ phiếu lao đốc. Hàn Quốc từng cấm bán khống cổ phiếu vào tháng 10 năm 2008, thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Úc cũng cấm hành vi này.


Can thiệp thị trường ngoại hối

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại về phương án ổn định thị trường ngoại hối, bởi nếu Chính phủ vội vàng can thiệp vào thị trường ngoại hối thì sẽ có thể bị Mỹ chỉ định là nước thao túng tỷ giá hối đoái. Phó Thủ tướng Hong Nam-ki cho rằng thị trường không cần phải lo ngại về điều này, đồng thời đưa ra ba lý do. Trước tiên, việc can thiệp nhằm điều chỉnh ở quy mô nhỏ khi tỷ giá lên cao quá mức là điều được quốc tế cho phép. Thứ hai là Chính phủ sẽ đảm bảo sự minh bạch khi can thiệp vào thị trường ngoại hối. Hàn Quốc định kỳ công khai về các nội dung can thiệp vào thị trường ngoại hối bắt đầu từ tháng 3 năm nay. Thứ ba là Seoul đang thảo luận một cách chặt chẽ với Washington trong quá trình này. Do đó, sẽ không có chuyện Hàn Quốc bị chỉ định là quốc gia thao túng tỷ giá.


Đối phó với biện pháp trả đũa kinh tế của Tokyo
 
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đưa ra đối sách tổng hợp đối phó việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc. Phó Thủ tướng Hong nhấn mạnh phương án giải quyết căn bản nhất là chấm dứt mâu thuẫn thông qua thảo luận song phương. Tuy nhiên, về ngắn hạn, Chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ tích cực nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Seoul cũng sẽ chuẩn bị các đối sách nhằm tăng cường sức cạnh tranh và tự chủ về ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, thiết bị trong vòng 5 năm tới. Phó Thủ tướng nhấn mạnh “thể lực nền tảng” của nền kinh tế Hàn Quốc là rất vững mạnh, nên thị trường không cần phải bất an quá mức.

Lựa chọn của ban biên tập