Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cân nhắc từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển”

2019-09-05

Tin tức

Cân nhắc từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển”

Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển” tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên nhận định Seoul không nhận được lợi ích gì từ việc duy trì vị thế này tại WTO. Nhiều khả năng, một số quốc gia khác đang trong tình thế tương tự với Hàn Quốc, cũng sẽ tiến hành từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển”.


Ưu đãi từ vị thế “quốc gia đang phát triển”

Nước được WTO phân loại là “quốc gia đang phát triển”, có thể được hưởng một số ưu đãi nhất định ở lĩnh vực thương mại. Trong số các hiệp định, quy định của Tổ chức thương mại thế giới, có tổng cộng 150 điều khoản ưu đãi đối với các quốc gia đang phát triển. Mặc dù mỗi điều khoản lại có sự khác biệt, nhưng đều có điểm chung là ưu đãi về thuế quan hoặc về tỷ lệ trợ cấp. Ngoài ra, quốc gia đang phát triển còn được kéo dài thời hạn xóa bỏ hàng rào thuế quan so với các quốc gia phát triển. Nói cách khác, quốc gia đang phát triển sẽ có thể áp dụng các biện pháp bảo hộ nền công nghiệp nội địa, như thuế quan, trợ cấp, trong khoảng thời gian dài hơn một chút so với các quốc gia phát triển.


Mỹ yêu cầu dừng ưu đãi bất công bằng với “quốc gia đang phát triển”

Trước đó, vào ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hối thúc WTO sửa đổi lại những ưu đãi bất công bằng với các quốc gia đang phát triển. Ông Trump cho rằng một số nước mặc dù đã đạt được sự phát triển tương đối về mặt kinh tế, nhưng vẫn đang lợi dụng vị thế “quốc gia đang phát triển” để được hưởng đặc quyền một cách bất công bằng. Tổng thống Mỹ đề ra 4 tiêu chuẩn để loại một nước khỏi vị thế “quốc gia đang phát triển”, đó là gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thành viên nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), là nước có thu nhập cao xét theo tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới (WB) và chiếm trên 0,5% giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu. Tổng thống Mỹ đề là thời hạn giải quyết vấn đề này là 90 ngày. Nếu tới thời đó, WTO không có biện pháp sửa đổi, thì Washington sẽ đơn phương dừng ưu đãi với các quốc gia này.


Khi nêu ra vấn đề về các nước đang phát triển, Tổng thống Mỹ muốn nhắm tới trước tiên là Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng thì Hàn Quốc lại là nước duy nhất thỏa mãn cả 4 điều kiện mà ông Trump đưa ra. Xét một cách khách quan, cộng đồng quốc tế đều không còn coi Hàn Quốc là quốc gia đang phát triển. Thêm vào đó, có 4 nền kinh tế là Đài Loan, Brazil, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Singapore trên thực tế đã bày tỏ ý định từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển”. Khi gia nhập OECD năm 1996, Seoul đã tuyên bố sẽ không tự nhận mình là quốc gia đang phát triển ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, WTO vẫn đang phân loại Hàn Quốc là “quốc gia đang phát triển” cho tới tận bây giờ.


Khó khăn đặt ra với ngành nông nghiệp

Trong tình hình chung hiện nay, Seoul không còn lý do nào để nhận mình là “quốc gia đang phát triển” thêm nữa. Nếu vẫn khăng khăng giữ vị thế này, thì Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lấy Hàn Quốc làm cái cớ để phản bác lại yêu cầu của Mỹ. Rốt cuộc, khi đó Washington sẽ tập trung công kích Seoul. Vấn đề đặt ra là nền nông nghiệp Hàn Quốc vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, sức cạnh tranh còn yếu kém. Một số ý kiến nhận định nếu Seoul từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển” thì ngành nông nghiệp nội địa có thể đối diện với những khó khăn nghiêm trọng. Trước tiên, Hàn Quốc sẽ phải giảm mạnh thuế quan với các mặt hàng nông sản chính như gạo, ớt, tỏi. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ phải cắt giảm trợ cấp nông nghiệp từ mức 1.490 tỷ won (1,2 tỷ USD) như hiện nay, xuống còn 800 tỷ won (667 triệu USD). Đồng thời, Hàn Quốc cũng phải nâng mạnh sản lượng gạo nhập khẩu được áp dụng mức thuế thấp 5%, hiện đang là 408.700 tấn/năm.


Việc Chính phủ nhận định Hàn Quốc không nhận được lợi ích thực tế nào từ vị thế “quốc gia đang phát triển”, căn cứ trên tiêu chuẩn đàm phán trong Chương trình nghị sự phát triển Doha (DDA) năm 2008. Tuy nhiên, Vòng đàm phán Doha trên thực tế đang trong tình trạng gián đoạn, nên Seoul không thể đưa ra dự báo dựa trên tiêu chuẩn này.


Lựa chọn của ban biên tập