Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Giá tiêu dùng lần đầu giảm

2019-10-05

Tin tức

ⓒKBS News

Trong tháng 9, giá tiêu dùng lần đầu tiên trong lịch sử bị giảm. Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc giải thích đây chỉ là một hiện tượng nhất thời, do giá nông sản và giá dầu quốc tế giảm, không phải là hiện tượng giảm phát. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại lo ngại về nguy cơ Hàn Quốc đang rơi vào thời kỳ giảm phát.


Vật giá lần đầu giảm

Cục thống kê quốc gia ngày 1/10 công bố báo cáo “Xu hướng giá tiêu dùng”, cho biết trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng đạt 105,2 điểm, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số này được căn cứ theo mức chuẩn là 100 điểm, tính theo vật giá năm 2015. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thống kê liên quan từ năm 1965, giá tiêu dùng giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trên thực tế, giá tiêu dùng đã giảm hai tháng liên tiếp. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 đạt âm 0,038% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng do số liệu chính thức của Cục thống kê quốc gia làm tròn đến một chữ số sau dấu phẩy, nên giá tiêu dùng tháng 8 được ghi nhận là mức 0%. Do vậy nên phải tới tháng 9, Cục thống kê quốc gia mới xác nhận giá tiêu dùng đã lần đầu giảm trong lịch sử.


Bối cảnh, ý nghĩa

Việc giá tiêu dùng lần đầu giảm hay đã giảm hai tháng liên tiếp sẽ là một thước đo vô cùng quan trọng để nhận định đây chỉ là hiện tượng nhất thời hay đã chuyển thành một xu hướng. Cục thống kê quốc gia giải thích xu hướng giảm giá tiêu dùng tháng 9 là bởi ảnh hưởng của hiệu ứng cơ sở, từ việc giá nông sản tăng vọt trong năm ngoái, cho tới ảnh hưởng của việc giá dầu quốc tế giảm. Cụ thể, trong năm 2018, giá nông sản, chăn nuôi và thủy sản đã tăng vọt do ảnh hưởng của tình hình nắng nóng nghiêm trọng kéo dài. Sang năm nay, khí hậu thuận lợi, sản lượng nông sản tăng cao, khiến giá nông sản giảm 8,2% so với năm ngoái, kéo toàn bộ giá tiêu dùng giảm 0,7%. Giá dầu quốc tế cũng có xu hướng ổn định, khiến giá các mặt hàng dầu mỏ giảm 5,6%, kéo giá tiêu dùng giảm 0,26%. Ngoài ra, các chính sách của Chính phủ như mở rộng ưu đãi chi trả bảo hiểm y tế, giáo dục miễn phí bậc trung học phổ thông, đã kéo giá các dịch vụ công giảm 1,2% trong tháng 9. Tất cả các yếu tố này dẫn đến giá tiêu dùng trong tháng trước giảm 0,4%. Nói tóm lại, nếu giả định rằng giá nông sản, dầu mỏ vẫn tăng ở ngưỡng bình quân trong vòng 4 năm qua, thì giá tiêu dùng tháng 9 sẽ tăng ở ngưỡng 1%. Do vậy, Cục thống kê quốc gia khẳng định sự sụt giảm giá tiêu dùng trong tháng 9 chỉ là hiện tượng nhất thời, không phải là giảm phát.

 

Triển vọng

Bất chấp giải thích trên của Cục thống kê quốc gia, vẫn nhiều ý kiến lo ngại và cho rằng trên thực tế, giá tiêu dùng đã giảm hai tháng liên tiếp. Các chuyên gia kinh tế phân tích sự sụt giảm giá tiêu dùng là do sức ép từ nhu cầu, kéo vật giá đi xuống. Nếu tình trạng vật giá thấp, tăng trưởng kém kéo dài, nền kinh tế Hàn Quốc có thể rơi vào giảm phát. Giảm phát là một chuỗi tuần hoàn tiêu cực, ban đầu là tiêu dùng đình trệ, doanh nghiệp giảm đầu tư, dẫn đến sự sụt giảm tuyển dụng và thu nhập bị co hẹp, rồi quay trở lại tình trạng đình trệ tiêu dùng. Chính phủ khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng giá tiêu dùng, như các yếu tố gây ra tình trạng thay đổi vật giá, để có biện pháp đối phó kịp thời. Chính phủ dự báo giá tiêu dùng sẽ hồi phục ở ngưỡng 0,5% đến dưới 1% từ cuối năm nay, khi ảnh hưởng từ một số yếu tố giảm đi.

Lựa chọn của ban biên tập