Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hội đàm Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn-Mỹ-Nhật

2019-10-03

Tin tức

Hội đàm Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn-Mỹ-Nhật

Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn-Mỹ-Nhật diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 2/10 (giờ địa phương), quan chức ba nước đã nhấn mạnh về hợp tác an ninh đa phương, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, trong bối cảnh đang có nhiều ý kiến lo ngại về rạn nứt trong phối hợp ba bên.


“Vận dụng hợp tác đa phương”
 
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết tại cuộc họp trên, các bên nhất trí vận dụng hợp tác đa phương vì hòa bình và ổn định khu vực Đông Bắc Á. Nội dung này được cho là có liên quan tới việc Hàn Quốc quyết định chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật vào ngày 22/8. Trong thời gian qua, Washington không hề che giấu sự không hài lòng về quyết định của Seoul. Giới chức quốc phòng nước này thậm chí còn nhiều lần công khai đề nghị Hàn Quốc thay đổi quyết định. Do vậy, “vận dụng hợp tác đa phương” được phỏng đoán là có một sự liên quan nào đó tới Hiệp định GSOMIA.

Môi trường an ninh quanh bán đảo Hàn Quốc hiện nay đang đòi hỏi tới sự phối hợp chặt chẽ ba bên Hàn-Mỹ-Nhật hơn lúc nào hết. Vậy nhưng, trên thực tế, quan hệ hợp tác giữa các bên đang có dấu hiệu rạn nứt. Một trong số đó chính là mâu thuẫn Hàn-Nhật, nảy sinh từ các vấn đề lịch sử, đang lan rộng sang cả vấn đề thương mại, an ninh. Sự rạn nứt này đối ngược hẳn với việc Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Nga tăng cường “tam giác phối hợp”. Chính vì vậy mà Washington mới liên tục yêu cầu Seoul thay đổi quyết định về chấm dứt trao đổi thông tin quân sự với Tokyo.


Cơ chế phối hợp an ninh Hàn-Mỹ-Nhật

Mỹ đóng vai trò trọng tâm trong cơ chế phối hợp Hàn-Mỹ-Nhật ở lĩnh vực an ninh. Ví dụ như ở lĩnh vực hợp tác tình báo, tất cả thông tin tình báo được tập trung một mối về Mỹ, rồi sau đó lại được truyền lại cho các nước đồng minh. Do vậy, đứng trên lập trường của Mỹ, việc chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật không khác nào làm sụp đổ một phần của mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo quân sự ba bên. Điều này dù chỉ là một lỗ hỏng nhỏ đi chăng nữa cũng sẽ làm suy yếu năng lực tình báo tổng thể. Cuộc họp Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn-Mỹ-Nhật lần này có thể trở thành một bước ngoặt giúp khôi phục và tăng cường cơ chế phối hợp giữa ba nước. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân là quan chức số một trong hàng ngũ quân đội mỗi nước. Do vậy, nội dung thảo luận tại cuộc họp sẽ trở thành yếu tố trọng tâm trong chính sách an ninh mỗi quốc gia. Dự kiến, những nội dung về mặt chính sách sẽ được thảo luận trong cuộc họp cấp bộ trưởng và những nội dung cụ thể sẽ được thảo luận ở cấp chuyên viên trên phương diện ba bên, hoặc song phương như Hàn-Mỹ, Mỹ-Nhật và Hàn-Nhật.


Theo kế hoạch, vào tháng 11 tới sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Mỹ-Nhật, tháng 12 diễn ra Hội nghị cấp chuyên viên về chính sách quốc phòng Hàn-Nhật. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Mỹ-Nhật gần đây nhất diễn ra vào tháng 6 năm nay, thời điểm Seoul và Tokyo đang mâu thuẫn về vấn đề ra-đa, máy bay tuần tra trên biển. Mặc dù vậy, các bên vẫn nhất trí về việc giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên theo hướng ngoại giao. Dự kiến Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Mỹ-Nhật sắp tới sẽ tập trung vào vấn đề nổi cộm nhất là Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung. Trong một tin liên quan, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương Randall Schriver phát biểu rằng Mỹ sẽ phát huy vai trò của mình trong khả năng có thể. Trước đó, ông này từng nói Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên sẽ được hưởng lợi từ mâu thuẫn Hàn-Nhật.

Lựa chọn của ban biên tập