Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kỷ niệm 60 năm ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc

2019-10-08

Tin tức

Kỷ niệm 60 năm ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc

Ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc

Năm đầu tiên của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc là năm 1959, khi lần đầu tiên sản xuất thành công máy radio điện tử chân không. Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), nhưng đã đặt bước chân đầu tiên với kỳ vọng ngành công nghiệp điện tử sẽ đóng góp lớn vào việc phục hưng đất nước. Trải qua 60 năm, những hy vọng đó đã thành sự thật và ngành công nghiệp điện tử đang là động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc. 


Hiện tại, lĩnh vực này chiếm 1/3 của tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, trong khi nhiều mặt hàng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước đứng đầu thế giới, đang dẫn đầu thị trường điện tử toàn cầu. Cùng với đó, ngành công nghiệp điện tử chiếm vị trí số một về sản lượng và tuyển dụng nội địa, là lĩnh vực công nghiệp chủ lực của Hàn Quốc.


Thời kỳ đầu của lịch sử ngành công nghiệp điện tử

Vào năm 1958, Công ty Goldstar (nay là Công ty điện tử LG), một công ty điện tử đầu tiên của Hàn Quốc đã được thành lập. Doanh nhiệp này sản xuất chiếc máy radio điện tử chân không đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 1959. Ba năm sau, Goldstar đã xuất khẩu 62 chiếc máy radio sang Công ty Eisenberg ở thành phố New York (Mỹ). Đây là dấu mốc lịch sử trong ngành công nghiệp, vì trước đây sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc chỉ là các sản phẩm nông thủy sản. Ngành công nghiệp điện tử đã phát triển mạnh mẽ nhờ nỗ lực của Chính phủ Tổng thống Park Chung-hee khi ấy. Ngành công nghiệp điện tử của những năm 1960 là một trong những công nghiệp cần nhiều lao động và đòi hỏi có kỹ năng về tính tỉ mỉ. Trong khi đó, người Hàn Quốc lại được biết đến là những người có đôi tay khéo léo. Bởi vậy về sau, lĩnh vực này không ngừng phát triển. 


Triển lãm điện tử Hàn Quốc và sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử

Sau tròn 10 năm kể từ khi sản xuất sản phẩm điện tử đầu tiên, cuộc Triển lãm điện tử Hàn Quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1969. Lúc đó, tại Hàn Quốc còn chưa có trung tâm hội nghị và triển lãm, nên sự kiện đã được tổ chức tại khu mua sắm lớn ở Seoul vốn chưa hoàn tất xây dựng và mới chỉ xây dựng xong tường bao. Năm nay, Triển lãm điện tử Hàn Quốc lần thứ 50 diễn ra với sự tham dự của 750 doanh nghiệp trong và ngoài nước với gần 2.000 gian hàng. Như vậy, cuộc triển lãm ngày nay đã trở thành một sự kiện quan trọng của ngành công nghiệp điện tử quốc tế. Cũng vào năm 1969, Hàn Quốc khởi công xây dựng khu công nghiệp đầu tiên của đất nước tại thành phố Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang và sản phẩm chủ lực của khu công nghiệp này cũng chính là các sản phẩm điện tử. Ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc đã nhanh chóng phát triển và vượt qua Nhật Bản, quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Sau đó, Seoul vươn lên dẫn đầu thế giới trên thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó mặt hàng nổi bật là chip bán dẫn. Đồng thời, ngành công nghiệp điện tử đã giúp củng cố vị trí công nghiệp chủ lực của Hàn Quốc khi ngành này đạt Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa là 175 nghìn tỷ won (tương đương 146 tỷ USD), có tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng 30,8% và chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Từ năm 1988 cho đến hiện tại, ngành công nghiệp điện tử tiếp tục đứng đầu trong các lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc.


Những thách thức của ngành công nghiệp điện tử

Tuy nhiên, vinh quang trong quá khứ không có nghĩa là sự hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Ngành công nghiệp điện tử đang đối mặt với những thách thức mới như quá chú trọng vào chíp bán dẫn và tỷ lệ tự cung cấp trong nước các vật liệu dùng trong sản xuất sản phẩm điện tử, còn thấp. Có thể nói, ngành công nghiệp điện tử cần nhanh chóng thay đổi để bắt nhịp cùng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, nhân kỷ niệm 60 năm, ngành công nghiệp điện tử đã đưa ra phương án hợp tác giữa doanh nghiệp trong quan hệ chủ-thợ và Hàn Quốc trở thành một cường quốc trong lĩnh vực điện tử. Phương án này có nội dung là cải cách cơ cấu công nghiệp để tập trung sản xuất phụ tùng, cải cách và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử thích hợp với thời đại dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo đó, Chính phủ và các doanh nghiệp điện tử sẽ tăng cường hợp tác để đẩy mạnh tự chủ những quy trình về công nghệ chế tạo và đạt được sự phát triển ngành chế tạo.

Lựa chọn của ban biên tập