Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia

2019-10-12

Tin tức

ⓒKBS News

Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc ngày 9/10 cho biết theo kết quả đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Hàn Quốc đứng thứ 13 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Hàn Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới ở hạng mục “phổ cập công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)”, “tính an toàn của nền kinh tế vĩ mô”, nhưng lại bị tụt hạng ở nội dung “sức sống doanh nghiệp” và “thị trường lao động”.


Xếp hạng của WEF về năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới, Singapore vượt qua Mỹ vươn lên vị trí thứ thứ nhất, tiếp đó là các nền kinh tế Hồng Kông, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, Anh, Đan Mạch. Năng lực cạnh tranh quốc gia của Hàn Quốc năm nay tăng hai bậc so với năm ngoái và 4 bậc so với năm 2017. Hàn Quốc nằm trong top đầu các nước phát triển lớn, như đứng thứ 10 trong số 36 nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thứ 5 trong số 17 nước khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

 

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc rơi từ vị trí thứ 13 năm 2008 xuống thứ 26 vào năm 2017. Tuy nhiên, trong năm 2017, tổ chức này đã thay đổi tiêu chuẩn đánh giá, khiến thứ hạng của Hàn Quốc tăng thêm 9 bậc, lên thứ 17.

 

Bảng thành tích của Seoul

Trong số 12 hạng mục đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia, có hai hạng mục của Hàn Quốc bị tụt hạng so với năm ngoái, 5 hạng mục được nâng lên và 5 hạng mục giữ nguyên.

 

Hai hạng mục bị giảm bậc là “thị trường lao động” và “sức sống doanh nghiệp”. Thị trường lao động luôn là yếu điểm lớn nhất của Seoul, đều cho kết quả đánh giá kém mỗi năm. Năm nay, hạng mục “thị trường lao động” của Hàn Quốc xếp thứ 51, giảm 3 bậc so với năm ngoái. Trong số các nội dung đánh giá cụ thể ở hạng mục “thị trường lao động”, thứ hạng về hợp tác giữa doanh nghiệp và người lao động thậm chí xếp thứ 130 thế giới. Ngoài ra, các nội dung đánh giá về thông lệ tuyển dụng và sa thải, sự thuận tiện khi tuyển dụng người lao động nước ngoài, đều xếp dưới hạng 100.

 

Hạng mục “sức sống doanh nghiệp” giảm từ thứ 22 năm ngoái, xuống thứ 25 trong năm nay. Ở hạng mục này, các nội dung đánh giá về chi phí khởi nghiệp, thời gian chuẩn bị khởi nghiệp, hệ thống pháp lý về phá sản, doanh nghiệp phát huy ý tưởng sáng tạo, đều bị tụt hạng so với năm ngoái. Đặc biệt, đánh giá về thái độ đối với rủi ro của chủ sở hữu doanh nghiệp rơi từ vị trí thứ 77, xuống vị trí thứ 88 trong năm nay.

 

Nối tiếp năm ngoái, hạng mục “phổ cập công nghệ thông tin và truyền thông” và “tính an toàn của nền kinh tế vĩ mô” tiếp tục đứng thứ nhất thế giới. Các hạng mục khác như “hạ tầng”, “năng lực đổi mới”, “y tế” đều xếp ở top đầu, cùng một số các hạng mục khác như “quy mô thị trường lao động”, “hệ thống tài chính”, “chế độ”, “công nghệ”.

 

Ý nghĩa và đối phó

Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá Hàn Quốc là “nhà lãnh đạo toàn cầu” ở lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, tổ chức này cũng chỉ ra rằng Seoul cần phải nâng cao tinh thần doanh nghiệp thách thức với khó khăn, thúc đẩy cạnh tranh trong nước, cải thiện cơ cấu chồng chéo, cứng nhắc trong thị trường lao động. Nội dung này đã chỉ rõ những điểm mạnh và điểm yếu của nền kinh tế Hàn Quốc.

 

Cơ cấu thị trường lao động Hàn Quốc vẫn có sự cứng nhắc, trong khi sức sống doanh nghiệp đang có dấu hiệu suy giảm, phản ánh rõ thực trạng kinh tế đất nước. Đặc biệt, sự thiếu linh hoạt của thị trường lao động tiếp tục là một yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc, không có sự cải thiện nào trong thời gian qua. Về điều này, Chính phủ đang lên ý tưởng là thúc đẩy cải cách thị trường lao động thông qua một thỏa hiệp lớn trong xã hội, đầu tư nền tảng đổi mới, đẩy nhanh bồi dưỡng các ngành công nghiệp mới, từ đó tăng cường năng lực đổi mới của quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập