Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Đàn nhị Haegeum ở Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2019-11-06

Âm điệu ngàn xưa


Vị thế của cây đàn nhị Haegeum ở Hàn Quốc

Thời tiết đã se lạnh, chúng ta đã bắt đầu phải mặc áo đơn áo kép khi ra đường rồi. Lòng người dường như cũng trống trải theo cơn gió đông heo hút. Lúc này, có lẽ tiếng đàn nhị Haegeum sẽ có thể an ủi những tâm hồn lạnh lẽo mùa đông. Gần đây, khá nhiều người yêu thích đàn nhị Haeguem và cho rằng đây là loại nhạc cụ dễ rung động lòng người. Chỉ hai chục năm trước thôi, rất ít người Hàn Quốc biết đến loại nhạc cụ dân tộc này. Nói cách khác, đàn nhị Haegeum từng không được trân trọng mấy. Đàn nhị Haegeum là đàn huyền cầm nhưng lại có âm sắc gần giống với nhạc khí bộ hơi nên thường được chơi trong các nhạc phẩm hòa tấu nhạc cụ bộ dây và bộ hơi để làm đầy đặn bản nhạc. Người ta còn gọi đàn nhị Haegeum là Bisabijuk (Phi ty phi trúc), tức không phải đàn huyền cầm cũng không phải sáo trúc. Đàn nhị Haegeum nhỏ nhẹ tiện mang theo, lại đa dạng âm thanh nên xưa kia người ăn mày ở Hàn Quốc hay sử dụng loại nhạc cụ này để biểu diễn kiếm kế sinh nhai. 


Các nghệ sĩ đàn nhị Haegeum nổi tiếng của Hàn Quốc

Nghệ sĩ đàn nhị Haegeum Jeong Su-nyeonn đã có công phổ biến loại nhạc cụ này ở Hàn Quốc. Nghệ sĩ Jeong Su-nyeonn hiện là giáo sư giảng dạy tại Viện Nghệ thuật truyền thống, Trường nghệ thuật tổng hợp Hàn Quốc. Khi còn học cấp II, vào lớp nhạc cụ truyền thống học đàn nhị Haegeum chưa được bao lâu, bà đã đạt giải nhất trong một cuộc thi âm nhạc tổ chức tại Seoul. Chuyện là các bạn cùng lớp nhạc cụ truyền thống đua nhau chọn đàn tranh 12 dây Gayageum, vốn tính nhút nhát ít nói nên Jeong Su-nyeonn chọn cây đàn nhị Haegeum còn sót lại. Và giải nhất cuộc thi lúc đó cũng là do ít người dự thi hạng mục đàn nhị Haegeum. Sự ngẫu nhiên đó đã đưa bà đến với giấc mơ trở thành nghệ sĩ đàn nhị Haegeum. Trong những năm 1980, khi đang là thành viên dàn nhạc truyền thống Đài phát thanh và truyền hình KBS, nghệ sĩ Jeong Su-nyeonn đã gia nhập nhóm nhạc truyền thống thính phòng Seulgidung. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều người cảm mến tiếng đàn nhị Haegeum của bà. Đĩa nhạc Gong của nghệ sĩ Jeong Su-nyeonn phát hành năm 2000 đã đưa cây đàn nhị Haegeum thành nhạc cụ đại chúng. Vốn dĩ âm sắc đàn nhị Haegeum truyền thống của Hàn Quốc hơi đanh, và cung kéo Hwal tạo âm thanh hơi chướng tai khi cọ sát dây đàn. Nhưng tiếng đàn nhị Haegeum của nghệ sĩ Jeong Su-nyeonn rất êm ái, du dương, khắc phục được những nhược điểm của đàn nhị Haegeum truyền thống. 


Ngoài Jeong Su-nyeonn, một nghệ sĩ khác cũng góp phần quảng bá đàn nhị Haegeum của Hàn Quốc là nghệ sĩ Kang Eun-il. Nghệ sĩ đàn nhị Kang Eun-il hiện đang giảng dạy tại trường đại học Danguk. Đã có thời bà thường xuyên đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Do học đàn piano và violon từ nhỏ nên bà không gặp khó khăn khi làm quen với cây đàn nhị Haegeum. Khi Kang Eun-il còn học cấp II, cây đàn nhị Haegeum đã kéo bà ra khỏi nỗi đau mất cha. Đến khi được tiếp xúc với Kim Yong-bae, người thành lập đoàn nghệ thuật 4 loại nhạc cụ gõ Samulnori, nghệ sĩ nhạc cụ gõ hàng đầu Kim Dae-hwan, nghệ sĩ Saxophone Kang Dae-hwan, bà đã thay đổi tư duy và tôn những người này làm thầy. 


Nối tiếp bà Kang Eun-il, nghệ sĩ Ccotbyel cũng là một nghệ sĩ đàn nhị Haegeum tiêu biểu. Từ khi học đại học năm thứ hai, Ccotbyel đã tham gia buổi công diễn ở Nhật Bản của danh ca Kim Yong-wu với vai trò đệm đàn. Lọt vào mắt xanh của nhà sản xuất, bà đã phát hành đĩa nhạc tại Nhật Bản và bắt đầu nổi tiếng tại đó. Ccotbyel được coi là nghệ sĩ thể hiện được đúng cảm xúc của thế hệ trẻ. 


* Nhạc phẩm “Sesangeseo Areumdaun Geotdeul” (Những thứ đẹp nhất trên thế gian) / Jeong Su-nyeon (đàn nhị Haegeum)

* Nhạc phẩm “Hei ya!” / Ryu Hyeong-seon (sáng tác), Kang Eun-il (đàn nhị Haegeum) 

* Nhạc phẩm “Biikyeonli” (Bỉ dực liên lý) / Ccotbyel (đàn nhị Haegeum)

Lựa chọn của ban biên tập