Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tuyên bố sông Hàn-sông Mekong

2019-11-30

Tin tức

ⓒKBS News

Ngày 27/11 tại thành phố Busan, lãnh đạo Hàn Quốc và 5 quốc gia lưu vực sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mekong lần thứ nhất, thông qua “Tuyên bố sông Hàn-sông Mekong”. Phủ Tổng thống cho biết Tuyên bố thể hiện kỳ vọng “kỳ tích sông Hàn” sẽ được tiếp nối bằng “kỳ tích sông Mekong”. Nội dung tuyên bố gồm phương án tăng cường giao lưu, hợp tác theo từng lĩnh vực, và tổng kết những thành quả chính trong hội nghị thượng đỉnh.

 

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mekong lần thứ nhất

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mekong được nâng cấp từ Hội nghị Bộ trưởng Hàn-Mekong, tổ chức thường niên từ năm 2011. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Thái Lan, nước Chủ tịch ASEAN, Prayut Chan-o-cha đồng chủ trì hội nghị, với sự tham dự của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Hun Sen của Campuchia không thể tham dự do mẹ vợ ốm nặng, nên cử Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn đến thay.

 

“Tuyên bố sông Hàn-sông Mekong” phác thảo phương án tăng cường hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác vì con người, thịnh vượng và hòa bình. Các nước nhất trí hợp tác vì hòa bình bán đảo Hàn Quốc, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế hướng tới thịnh vượng chung. Tuyên bố nêu rõ 7 lĩnh vực ưu tiên hợp tác là văn hóa và du lịch, phát triển tài nguyên nhân lực, phát triển nông nghiệp nông thôn, hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, môi trường, và hợp tác an ninh phi truyền thống. Lãnh đạo 6 nước đồng tình rằng môi trường hòa bình, ổn định khu vực đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với thịnh vượng chung của Hàn Quốc và các quốc gia lưu vực sông Mekong. Trên tinh thần đó, các nước cam kết tiếp tục hợp tác để phi hạt nhân hóa toàn diện, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc.

 

Ở lĩnh vực hợp tác kinh tế, các nước cam kết cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển để khu vực sông Mekong đạt tăng trưởng tương tự “kỳ tích sông Hàn” của Hàn Quốc.

 

Ý nghĩa và tương lai của quan hệ Hàn-Mekong

Sông Mekong chảy qua Myanmar và bán đảo Đông Dương, đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ các lĩnh vực văn hóa, đời sống, và kinh tế của các nước trong khu vực. Khu vực Mekong vừa có vị trí trọng yếu chiến lược liên kết Đông Bắc Á và Nam Á, vừa giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí thiên nhiên, gỗ, khoáng sản, thủy điện. Các nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, đang tích cực xúc tiến đầu tư, thúc đẩy giao lưu thương mại với các nước Mekong. Kết quả là trong năm ngoái, tăng trưởng bình quân của 5 nước Mekong đều đạt trên 6%.

 

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo các nước Mekong đều tích cực ủng hộ chính sách “phương Nam mới” của Chính phủ Hàn Quốc, bởi những kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc vô cùng hữu dụng với các quốc gia này. 5 nước Mekong cũng tán thành với chính sách hòa bình bán đảo Hàn Quốc, và quyết tâm nỗ lực cùng Seoul phi hạt nhân hóa toàn diện và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc. Các nước nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mekong định kỳ, song song với các Hội nghị thượng đỉnh thường niên liên quan tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh khu vực Mekong là đối tác trọng tâm trong chính sách “phương Nam mới”, cũng như trong quan hệ hợp tác Hàn-ASEAN. Hàn Quốc quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác Hàn-Mekong đặt trọng tâm vào con người, vì hòa bình và thịnh vượng chung.

Lựa chọn của ban biên tập