Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Căng thẳng Hàn-Nhật tiếp tục leo thang bất chấp quyết định hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực Hiệp định GSOMIA

2019-11-28

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tuần trước, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Tuy nhiên, tranh cãi về những công bố được cho là sai lệch của Tokyo lại một lần nữa đẩy quan hệ hai nước vào cục diện căng thẳng. Giáo sư Chung Han-beom đến từ Đại học Quốc phòng Hàn Quốc phân tích tình hình quan hệ Hàn-Nhật xoay quanh quyết định tạm thời gia hạn GSOMIA.

 

Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) được tự động gia hạn hàng năm, trừ khi một trong hai nước thông báo chấm dứt thỏa thuận cho đối phương trước 90 ngày. Sau khi Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Seoul, ngày 22/8, Hàn Quốc đã công bố quyết định kết thúc hiệp định, kêu gọi Tokyo hủy bỏ các hành động chống đối. Về nguyên tắc, hiệp ước quân sự song phương sẽ hết hạn vào 0h ngày 23/11. Tuy nhiên sau đó, Nhật Bản đã thay đổi thái độ và ngỏ ý thảo luận các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Đáp lại, Hàn Quốc quyết định hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực hiệp định. Điều này có nghĩa là việc đình chỉ chấm dứt GSOMIA chỉ là tạm thời, có điều kiện, và có thể đảo ngược bất cứ lúc nào.

 

Quyết định của Hàn Quốc được đưa ra chỉ 6 giờ trước thời hạn kết thúc GSOMIA. Tuy vậy, Seoul cũng đặt ra các điều kiện tiên quyết, và nhấn mạnh có thể chấm dứt thỏa thuận bất cứ lúc nào. Dù chỉ mang tính tạm thời, nhưng ít nhất việc gia hạn hiệp định cũng giúp kéo dài thời gian để hai nước tìm cách cải thiện căng thẳng. Dường như hai bên đều đã lùi một bước, tôn trọng nguyên tắc giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Giới phân tích cho rằng áp lực và vai trò trung gian của Washington cũng đóng góp một phần vào quyết định này.

 

Mỹ đã tác động mạnh đến việc ký kết GSOMIA giữa Hàn Quốc và Nhật Bản năm 2016. Trên thực tế, người dân Hàn Quốc đã cực lực phản đối chia sẻ thông tin quân sự với quốc gia từng là kẻ thù của họ. Bất chấp dư luận, năm 2012, Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc ký thỏa thuận với Nhật Bản, trong nỗ lực ngăn chặn đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên và kiềm lại sự trỗi dậy từ Trung Quốc. Cuối cùng, Seoul đã ký hiệp định với Tokyo vào tháng 11/2016. Do đó, khi Hàn Quốc có ý định dừng trao đổi thông tin quân sự với Nhật Bản, Mỹ đã tỏ ra bất bình.

 

Washington coi Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật là công cụ quan trọng để tăng cường hợp tác an ninh với cả Seoul và Tokyo, vì Mỹ tin rằng hợp tác ba bên Hàn-Nhật-Mỹ rất cần thiết trong việc hỗ trợ Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Khi chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ không gia hạn GSOMIA hồi tháng 8, Mỹ đã vô cùng quan ngại và tìm mọi cách gây áp lực, buộc Seoul thay đổi quyết định.

Sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng, Hàn Quốc đã quyết định tạm thời duy trì có điều kiện GSOMIA. Như vậy, kịch bản tồi tệ nhất đã không xảy ra, nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đang tranh cãi về việc bên nào đang nói “đúng sự thật” về quyết định này.

 

Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu với Hàn Quốc và loại Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại tin cậy và được ưu đãi, với lý do Hàn Quốc đã vi phạm lòng tin về an ninh quốc gia. Đối với Hàn Quốc, các biện pháp này không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan trực tiếp đến liên minh với Nhật Bản. Do đó, Seoul đã quyết định chấm dứt GSOMIA vì cho rằng các quốc gia không có niềm tin quân sự với nhau thì không nên chia sẻ thông tin liên quan.

Sau Thế chiến II, nhóm ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã không bị thanh trừng và thành lập các đảng phái chính trị bảo thủ. Đến tận bây giờ, những người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn vẫn tiếp tục đưa ra những bình luận cực đoan và hiếu chiến nhắm tới Hàn Quốc. Do đó, mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã chủ động đề xuất đàm phán kín với Seoul để gia hạn thỏa thuận song phương, nhưng Tokyo lại không muốn công bố việc này cho dân chúng.

 

Trong cuộc họp báo về quyết định gia hạn Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật ngày 22/11, Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã rêu rao rằng Hàn Quốc thừa nhận biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo đã khiến Seoul gặp khó khăn trong quản lý thương mại. Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống đã khiếu nại, bày tỏ bất bình mạnh mẽ về những sự thật bị bóp méo trong thông báo của Nhật Bản. Sau đó, Chính phủ Tokyo đã chính thức xin lỗi Seoul vì đã phóng đại thông cáo. Tuy nhiên vào ngày 26/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi lại khẳng định rằng Tokyo chưa bao giờ xin lỗi Seoul. Thái độ không trung thực này cho thấy Tokyo nhận thức rõ là công chúng Nhật Bản ủng hộ lập trường cứng rắn với Hàn Quốc, và hy vọng có thể thay đổi trạng thái gia hạn tạm thời thành ký mới hoàn toàn thỏa thuận. Tuy vậy, trò chơi “sự thật” sẽ chỉ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán trong tương.

 

Lúc đầu, Hàn Quốc rất chắc chắn về việc chấm dứt Hiệp định GSOMIA. Nhưng sau đó nước này đã quyết định tạm thời gia hạn, đáp lại sự thay đổi thái độ của Nhật Bản. Giờ đây, Tokyo tiếp tục phản bội niềm tin của Seoul, khiến Hàn Quốc hoài nghi về sự chân thành của Nhật Bản trong các cuộc đàm phán tương lai. Như tôi đã nói trước đây, quyết định gia hạn hiệp định của Hàn Quốc chỉ mang tính tạm thời. Vì thế, Nhật Bản cần thể hiện thái độ chân thành hơn khi đàm phán với Hàn Quốc.

 

Căng thẳng Hàn-Nhật có thể ảnh hưởng đến việc gia hạn có điều kiện GSOMIA. Hai bên có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, bao gồm cả quy định hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. Tokyo cho rằng để cải thiện quan hệ song phương, trước tiên hai nước cần giải quyết vấn đề phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc đối với các công ty Nhật Bản về cưỡng ép lao động thời chiến. Với hy vọng hòa giải mâu thuẫn thông qua ngoại giao từ trên xuống, Seoul và Tokyo có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương Hàn-Nhật bên lề hội nghị thượng đỉnh ba bên Hàn-Trung-Nhật vào tháng tới tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

 

Tôi đoán Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ cố gắng điều chỉnh các quan điểm đối lập trước thềm hội nghị thượng đỉnh để đạt kết quả tích cực. Nhưng nếu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tiếp tục tuân theo các chính sách của phe cánh hữu nhằm củng cố vị thế trong nước, phản đối phán quyết của tòa án Hàn Quốc về việc bồi thường nạn nhân lao động, sẽ rất khó để giải quyết vấn đề hạn chế xuất khẩu. Năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến. Dư luận sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Hàn Quốc và Nhật Bản tìm cách giải quyết mà không được sự đồng ý của các nạn nhân. Điểm mấu chốt là liệu Nhật Bản có chấp nhận chỉ liên hệ GSOMIA với vấn đề hạn chế xuất khẩu, hay sẽ đề cập đến cả vấn đề cưỡng ép lao động.

 

Theo kế hoạch, hai nước bắt đầu thảo luận vấn đề hạn chế xuất khẩu trong tuần này, các cơ quan ngoại giao cũng mong muốn bản thảo các vấn đề lớn còn tồn đọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật. Nhưng có vẻ con đường tiến tới bình thường hóa quan hệ Hàn-Nhật vẫn còn rất dài.

Lựa chọn của ban biên tập