Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 0,4% trong quý Ⅲ

2019-12-03

Tin tức

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 0,4% trong quý Ⅲ

Các số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) thường công bố hai loại số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là số liệu trong các quý và cả năm. GDP trong các quý được công bố với số liệu sơ bộ và số liệu điều chỉnh, còn GDP cả năm được công bố với số liệu điều chỉnh và số liệu xác định. Phương pháp tính số liệu sơ bộ là nhập dữ liệu hai tháng đầu của quý và số liệu dự đoán của một tháng còn lại.


Cách tính số liệu điều chỉnh là nhập dữ liệu của cả ba tháng trong một quý. Như vậy, nếu không có các yếu tố bất ngờ như tác động của thiên tai trong tháng cuối của quý, thì chênh lệnh giữa số liệu sơ bộ và số liệu điều chỉnh không nhiều. Trong khi đó, GDP cả năm được công bố với số liệu xác định, tổng hợp tất cả các số liệu.


Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 0,4% trong quý Ⅲ 

Theo số liệu điều chỉnh do BOK công bố, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quý Ⅲ năm nay là 0,4%, tương đương với số liệu sơ bộ. Điều này có nghĩa là kinh tế Hàn Quốc đang duy trì xu hướng ổn định, không gặp biến động bất ngờ. Xét theo hạng mục chi tiêu trong GDP, đầu tư xây dựng giảm 0,8%, tiêu dùng tư nhân tăng 0,1%, và tổng xuất khẩu tăng 0,5%. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) tăng 0,6% so với quý trước, và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giảm phát GDP ở mức âm 1,6%, giảm bốn quý liên tiếp kể từ quý Ⅳ năm 2018. Như vậy, chỉ số này đã lập kỷ lục mới về thời gian giảm lâu nhất. Lần giảm trước đó là ba quý liên tiếp từ quý Ⅳ năm 1998, ngay sau khi khủng hoảng tiền tệ xảy ra, đến quý Ⅱ năm 1999. Chỉ số giảm phát GDP phản ánh mức giá chung của tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng chỉ dựa vào giá một số mặt hàng đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng. Chỉ số giảm phát GDP chịu nhiều ảnh hưởng từ chỉ số giảm phát giá xuất khẩu. Chỉ số giảm phát tiêu dùng trong nước tăng 1%, giảm 0,7% so với quý Ⅱ. Trong khi đó, chỉ số giảm phát xuất khẩu giảm 6,7%, chỉ số giảm phát nhập khẩu tăng 0,1%.


BOK cho biết nguyên nhân chỉ số giảm phát xuất khẩu giảm là do giá xuất khẩu chíp bán dẫn và các chế phẩm hóa học tụt mạnh. Tuy nhiên, BOK giải thích mặc dù xu hướng tăng của chỉ số giảm phát tiêu dùng trong nước bị đình trệ, nhưng sẽ không tác động ngay đến việc tỷ lệ tăng trưởng vật giá trong nước đi xuống.


Triển vọng tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa

Dư luận đang quan tâm liệu Hàn Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 2% hay không. Ngày 29/11, BOK công bố triển vọng kinh tế sửa đổi, dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của năm nay là 2% và năm 2020 là 2,3%. Như vậy, triển vọng tăng trưởng đã giảm 0,2% so với mục tiêu đặt ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ đã quá lạc quan về kinh tế trong nước, vì để đạt mục tiêu tăng trưởng 2% cả năm, thì kinh tế Hàn Quốc trong quý Ⅳ phải tăng 1% so với quý Ⅲ. Hiện tại, các yếu tố trong và ngoài nước không có khả năng thay đổi mạnh, nên Hàn Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng này. Trên thực tế, các chỉ số liên quan đến sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong tháng 10 vừa qua đều giảm. Đặc biệt, lĩnh vực bán lẻ tiếp tục giảm 0,5% so với mức giảm 2,3% hồi tháng 9. Điều này có nghĩa là biện pháp mở rộng chi tiêu tài chính của Chính phủ chưa thể giúp kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng suy thoái. Các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù một số yếu tố có dấu hiệu khởi sắc, nhưng nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục giảm vào năm 2020.

Lựa chọn của ban biên tập