Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Các tổ chức đoàn thể ở Bắc Triều Tiên

2020-01-09

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Con người là động vật xã hội nên thường có xu hướng tụ tập thành nhóm để thực hiện các mục đích chung hoặc chia sẻ sở thích. Nhìn chung, tập quán sống theo nhóm đảm bảo quyền tự trị, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên ở Bắc Triều Tiên, sinh hoạt cộng đồng không gắn liền với tự do. Cư dân nơi đây được yêu cầu tham gia một số nhóm nhất định, và sinh hoạt trong các nhóm này được kiểm soát chặt chẽ. Tại sao miền Bắc lại đặc biệt chú trọng đến các nhóm cộng đồng như vậy? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về các tổ chức đoàn thể ở Bắc Triều Tiên cùng Giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất.


 Không ai được sống tách rời các tổ chức đoàn thể

Những người không thuộc bất cứ nhóm nào ở Bắc Triều Tiên là trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 65 tuổi, và bệnh nhân nguy kịch. Trong Nhà nước cộng sản, tất cả công dân phải tham gia một số nhóm nhất định, bất kể họ ở đâu và làm gì. Mỗi nhóm có rất nhiều thành viên. Ước tính có khoảng ba triệu trẻ em gia nhập Liên đoàn trẻ em Bắc Triều Tiên, và đến 5 triệu thanh niên tham gia Đoàn thanh niên Kim Nhật Thành - Kim Jong-il. Tổng liên đoàn lao động có khoảng 1,6 triệu người, Liên minh nông dân Bắc Triều Tiên có 1,3 triệu thành viên, và Hội Liên hiệp Phụ nữ Xã hội chủ nghĩa kết nạp tầm 200 nghìn người. Các tổ chức này chính là cơ quan bổ sung của đảng Lao động cầm quyền, có vai trò thực hiện các chỉ đạo của đảng. Cho đến nay, Đoàn Thanh niên là tổ chức quan trọng nhất.


Đoàn Thanh niên là tổ chức nòng cốt

Thành lập năm 1946, Đoàn Thanh niên đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của miền Bắc. Trên mặt trận kinh tế, các thành viên đã được huy động để làm việc bất cứ khi nào cần, nhân danh “Đội quân thanh niên tiên phong trong chiến dịch tốc độ”. Sức lao động của họ được dùng để xây dựng đường bộ, đường sắt và nhà máy điện trên toàn quốc. Một đường cao tốc 12 làn, dài 46 km nối Bình Nhưỡng và thành phố cảng Nampo đã được đặt tên là Đường cao tốc Anh hùng Tuổi trẻ, hàm ý một lực lượng thanh niên hùng mạnh đã tham gia xây dựng con đường.


Thông lệ tự phê bình, tổ chức họp theo nhóm thường kỳ để kiểm soát xã hội một cách tập trung

Bắc Triều Tiên kiểm soát các tổ chức, phương tiện quan trọng để duy trì chế độ, thông qua thủ tục tự phê bình, tổ chức thảo luận, họp nhóm về cuộc sống hàng ngày.

Ở miền Bắc, nhân viên văn phòng phải tham gia buổi đánh giá cuộc sống thứ Bảy hàng tuần, và nông dân cũng phải tham dự phiên họp tương tự 10 ngày một lần. Sinh viên đại học và những người làm việc trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và khoa học thậm chí phải tham gia các buổi tự phê bình thường xuyên hơn, gần như mỗi ngày. Những người cố ý thường xuyên không tham dự các phiên họp sẽ bị chỉ trích nặng nề nơi công cộng và chịu bất lợi trong tuyển sinh đại học hoặc thăng quan tiến chức tại nơi làm việc. Hoạt động tự phê bình được quản lý nghiêm ngặt với mục đích củng cố sự sùng bái với gia đình cầm quyền họ Kim và lòng trung thành với Đảng.

Tuy nhiên theo thời gian, các tổ chức dù mạnh đến đâu vẫn có thể suy yếu, và Bắc Triều Tiên cũng không ngoại lệ. Trong thời kỳ khó khăn kinh tế cực độ những năm 1990, nhiều cư dân Bắc Triều Tiên trở nên phụ thuộc vào các khu chợ tư nhân, còn gọi là jangmadang, để kiếm sống, nên thường hối lộ quan chức để bỏ qua các phiên tự phê bình. Thế hệ trẻ sau này cũng không còn hào hứng với những phiên họp này nữa dù vẫn tham gia.

Kể từ khi những khó khăn kinh tế ập đến những năm 1990, cuộc sống và nhận thức của người dân Bắc Triều Tiên đã có nhiều thay đổi. Nhưng điều này không có nghĩa là các tổ chức trên cả nước đã sụp đổ. Trái lại, các đoàn thể càng được chú trọng hơn kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền. Vào ngày thành lập Liên đoàn trẻ em Bắc Triều Tiên năm 2012, năm đầu tiên nhậm chức, Chủ tịch Kim đã mời các thành viên công đoàn từ khắp nơi trên đất nước tới Bình Nhưỡng, huy động xe buýt, xe lửa và thậm chí cả máy bay. Đại hội Liên đoàn Thanh niên chưa bao giờ diễn ra trong những năm cầm quyền của cựu lãnh đạo Kim Jong-il, cũng đã được tổ chức năm 2016.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un luôn đề cao tầm quan trọng của duy trì chế độ, và đang chú trọng kiểm soát các tổ chức hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ở quốc gia ẩn dật khép kín này đã bắt đầu tiếp xúc với nhiều thông tin từ thế giới bên ngoài, làm dấy lên câu hỏi liệu nỗ lực kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Bắc Triều Tiên có phát huy hiệu quả như trước hay không.

Lựa chọn của ban biên tập