Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc sẵn sàng đối phó với diễn biến căng thẳng Mỹ-Iran

2020-01-11

Tin tức

ⓒYONHAP News

Phủ Tổng thống Hàn Quốc chiều 9/1 đã mở cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), đánh giá tình hình căng thẳng quân sự leo thang giữa Mỹ và Iran, rà soát cơ chế đối phó khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công dân, doanh nghiệp, tàu thuyền tại khu vực Trung Đông. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki nhận định mặc dù xung đột giữa Washington và Tehran là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất, nhưng mức ảnh hưởng tới nền kinh tế Hàn Quốc là không nhiều.

 

Báo động căng thẳng Mỹ-Iran

Ngày 3/1, Mỹ đã tiến hành vụ không kích vào sân bay Baghdad, Iraq, khiến Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, thiệt mạng. Căng thẳng càng leo thang sau khi Iran trả đũa bằng cách nã tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq sáng 8/1, đặt toàn bộ các ban ngành Chính phủ Hàn Quốc vào tình trạng báo động. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đã tổ chức các cuộc họp rà soát tình hình an toàn của người dân, doanh nghiệp và các lực lượng quân đội đang đóng quân tại toàn bộ khu vực Trung Đông, trong đó có Iraq, và lập đối sách sẵn sàng đối phó với mọi tình huống nguy cấp. Bộ Ngoại giao đã mở cuộc họp qua video với lãnh đạo các cơ quan ngoại giao thường trú tại Trung Đông, kiểm tra cơ chế đối phó với xung đột Mỹ-Iran. Bộ Quốc phòng triệu tập cuộc họp khẩn giữa Bộ trưởng và các sĩ quan chỉ huy cấp cao quân đội, thảo luận đối sách cho mọi tình huống. Ngoài ra, Chính phủ còn tổ chức một cuộc họp giữa các ban ngành hữu quan, như Bộ Ngoại giao, Bộ Địa chính và giao thông, Bộ Quốc phòng, thảo luận kế hoạch đối phó khẩn cấp, xem xét khả năng rút công dân về nước trong tình huống xấu nhất. Chính phủ còn tổ chức một cuộc thảo luận đối sách ở lĩnh vực kinh tế, thành lập và khởi động 5 nhóm đối phó ở các lĩnh vực thị trường tài chính, giá dầu quốc tế, kinh tế thực, xây dựng tại nước ngoài, và vận tải biển.

 

Rủi ro Trung Đông

Bất cứ biến động nào xảy ra tại khu vực Trung Đông cũng có thể gây ra cú sốc lớn đối với Hàn Quốc. Trước tiên, Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông, trong đó có Iran. 70% lượng dầu thô nhập khẩu của Hàn Quốc đi qua eo biển Hormuz, eo biển hẹp nằm giữa bán đảo Ả-rập và Iran. Nhiều doanh nghiệp và người dân Hàn Quốc đang xúc tiến đầu tư tại Trung Đông, đặc biệt là ở lĩnh vực xây dựng. Hàn Quốc cũng đang cử binh lực quân đội tới khu vực này. Rủi ro Trung Đông có thể khiến giá dầu quốc tế lao đao, cung cầu dầu mỏ trở nên bất ổn, ảnh hưởng trực tiếp tới những ngành công nghiệp liên quan như lọc dầu, hóa học, hàng không, và tất nhiên lĩnh vực tài chính và nền kinh tế thực cũng sẽ chịu bất ổn. Quan trọng hơn cả là sự an toàn của người dân và các binh lính đóng tại Trung Đông. Hiện tại, có hơn 1.570 công dân Hàn Quốc đang cư trú tại Iraq, phần lớn là nhân viên các công ty xây dựng. Còn tại Iran có hơn 290 người, Israel hơn 700 người, Lebanon hơn 150 người. Ngoài ra, còn hơn 18.000 binh lính Hàn Quốc đang đóng tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) theo chương trình hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Ở Lebanon có Lực lượng Dongmyung (Đông Minh) đang tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Lực lượng hải quân Cheonghae (Thanh Hải) đang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền trên vịnh Aden. Những nơi này đều có rủi ro trở thành mục tiêu của Iran khi nước này tấn công trả đũa Washington. Trong trường hợp Mỹ đề nghị các nước đồng minh cử quân tới Trung Đông, công tác đối phó sẽ càng khó khăn hơn vì Hàn Quốc sẽ phải cân nhắc tới quan hệ với Iran.

 

Triển vọng

Hiện tại, căng thẳng Mỹ-Iran vẫn đang được đánh giá là trong tầm kiểm soát. Sau vụ không kích tên lửa đạn đạo, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington không mong muốn phải dùng tới sức mạnh quân sự. Do đó, có thể tạm yên tâm xung đột toàn diện giữa hai nước sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn chưa chấm dứt. Bất chấp phản ứng “mềm mỏng” của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ tăng cường cấm vận với Tehran, trong khi quốc gia Trung Đông này vẫn có khả năng thực hiện các vụ tấn công khác và đẩy mạnh phát triển hạt nhân. Trên thực tế, giới chức Iran đã liên tiếp đưa ra nhiều phát ngôn hết sức cứng rắn. Do vậy, dù nguy cơ lớn nhất đã qua đi, nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn cần lập đối sách chặt chẽ theo từng giai đoạn, sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất.

Lựa chọn của ban biên tập