Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Ngoại trưởng Hàn-Mỹ trao đổi về việc Hàn Quốc cử binh sĩ tới khu vực tranh chấp với Iran 

2020-01-15

Tin tức

Ngoại trưởng Hàn-Mỹ trao đổi về việc Hàn Quốc cử binh sĩ tới khu vực tranh chấp với Iran 

Hội đàm Bộ trưởng Ngoại giao Hàn-Mỹ

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo hôm 14/1 (giờ địa phương) đã có cuộc gặp tại Washington (Mỹ), thảo luận về các mối quan tâm chung, như quan hệ đồng minh, vấn đề hạt nhân ở Bắc Triều Tiên. Đặc biệt, hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình khu vực Trung Đông. Trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ kỳ vọng Hàn Quốc sẽ cùng tham gia bảo vệ eo biển Hormuz, nằm giữa bán đảo Ả-rập và Iran. Phát ngôn này được cho là lời đề nghị gián tiếp của Mỹ, yêu cầu Hàn Quốc cử binh sĩ tới khu vực này. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn về vấn đề này.


Mỹ hy vọng Hàn Quốc sẽ tham gia bảo vệ eo biển Hormuz

Hàn Quốc và Mỹ đều có chung lo ngại về những căng thẳng ở khu vực Trung Đông, và nhất trí cùng nỗ lực để khôi phục lại hòa bình và ổn định cho khu vực này. Song trên thực tế, trọng tâm của cuộc gặp là liệu Hàn Quốc có thể cử quân đội tới eo biển Hormuz hay không. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo an ninh ở eo biển Hormuz, lập luận rằng những diễn biến trên khu vực này sẽ tác động mạnh đến giá dầu quốc tế, ảnh hưởng lớn đến các nước trên thế giới. Ông Pompeo khẳng định các nước phải cùng nỗ lực và góp phần duy trì ổn định tại eo biển Hormuz và khu vực Trung Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ không trực tiếp đề cập Hàn Quốc là đối tượng phải phái binh, nhưng phát ngôn này được ông Pompeo đưa ra trong cuộc Hội đàm Bộ trưởng Ngoại giao Hàn-Mỹ, rõ ràng là đòn gây sức ép chính thức của Washington với Seoul. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cũng bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ gửi binh sĩ tới vùng biển tranh chấp này.


Hàn Quốc phải cân nhắc thiệt hơn trong quan hệ với Iran

Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-hwa cho biết sẽ tiếp tục xem xét các phương án đóng góp từ nhiều góc độ, bởi Seoul không thể không cân nhắc đến vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân Hàn Quốc tại khu vực này và mối quan hệ với Tehran. Nếu Hàn Quốc tham gia liên minh bảo vệ eo biển Hormuz do Mỹ khởi xướng thành lập, người Hàn tại khu vực Trung Đông có thể trở thành mục tiêu tấn công của Iran. Trong buổi họp báo đầu năm mới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đề cập đến điều này. Quan hệ giữa Hàn Quốc và Iran là rất quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế như nguồn cung dầu mỏ và ngành xây dựng của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại nước này, mà cả về mặt chính trị và ngoại giao. Nếu cân nhắc đến quan hệ với Iran thì Hàn Quốc khó có thể cử binh lực quân đội tới khu vực này.


Eo biển Hormuz 

Eo biển Hormuz là con đường biển duy nhất để đi từ vịnh Ba Tư qua vịnh Oman ra biển Ả-rập. Rất nhiều tàu chở dầu đi qua eo biển này, nơi quân đội Iran đang nắm quyền kiểm soát. Kể từ khi tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang vào năm ngoái, một loạt các vụ tấn công tàu chở dầu xung quanh vùng biển này đã xảy ra. Washington cho rằng Tehran đứng sau các vụ tấn công, và đã khởi xướng thành lập liên minh bảo vệ eo biển Hormuz, lấy tên là “Sáng kiến an ninh hàng hải quốc tế” (IMSC). Hôm 3/1, Mỹ đã tiến hành vụ công kích vào sân bay Baghdad (Iraq) làm Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, thiệt mạng, khiến căng thẳng giữa hai nước càng leo thang. Do vậy, Mỹ đang tăng cường gây sức ép, hối thúc các nước đồng minh tham gia “Sáng kiến an ninh hàng hải quốc tế”. Hàn Quốc cũng không thể nhắm mắt làm ngơ về tình hình khu vực eo biển Hormuz, do 70% lượng dầu thô nhập khẩu của Hàn Quốc đi qua vùng biển này. Thông qua lời phát biểu của Tổng thống Moon Jae-in và Ngoại trưởng Kang Kyung-hwa, các chuyên gia nhận định có vẻ Hàn Quốc đang tìm cách đóng góp riêng lẻ để bảo vệ hòa bình eo biển này, trong đó có phương án mở rộng phạm vi tác chiến của lực lượng hải quân Cheonghae (Thanh Hải) đến eo biển Hormuz. Trong trường hợp đó, Chính phủ sẽ không cần thực hiện thủ tục phê chuẩn tại Quốc hội để điều động lực lượng Cheonghae tới eo biển này.

Lựa chọn của ban biên tập