Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Cán cân quốc tế Hàn Quốc năm 2019

2020-02-08

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 6/2 công bố số liệu sơ bộ về cán cân quốc tế năm 2019. Trong năm ngoái, cán cân vãng lai của Hàn Quốc thặng dư 59,97 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng 7 năm. Điều này được phân tích là do quy mô thặng dư cán cân hàng hóa giảm bởi xuất khẩu đình trệ, ảnh hưởng từ suy thoái thương mại thế giới.

 

Cán cân hàng hóa

Quy mô thặng dư cán cân vãng lai năm ngoái là mức thấp nhất sau mức thặng dư 48,79 tỷ USD năm 2012. Mặc dù vậy, Hàn Quốc vẫn duy trì được đà thặng dư cán cân vãng lai 22 năm liên tiếp từ sau năm 1998, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á. Xét về tổng thể, trong khi quy mô thặng dư cán cân hàng hóa giảm mạnh thì quy mô thâm hụt của cán cân dịch vụ lại được cải thiện nhờ nguồn thu du lịch tăng. Kinh tế thế giới năm 2019 tăng trưởng chậm do mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung và ngành chíp bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, rơi vào đình trệ, kéo xuất khẩu toàn ngành công nghiệp đình trệ theo. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2019 đạt 561,96 tỷ USD, giảm 64,31 tỷ USD (10,3%) so với một năm trước. Nhập khẩu cũng giảm 6%, đạt 485,11 tỷ USD, các nguyên nhân chính được phân tích là do giá dầu giảm và nhập khẩu trang thiết bị chế tạo chíp bán dẫn giảm. Như vậy, xuất khẩu chíp bán dẫn đình trệ đã kéo kim ngạch nhập khẩu giảm. Do đó, cán cân hàng hóa năm 2019 thặng dư 76,86 tỷ USD, giảm 33,23 tỷ USD so với năm 2018.

 

Cán cân dịch vụ, cán cân thu nhập cải thiện

Quy mô thâm hụt cán cân dịch vụ được cải thiện trong năm 2019, cán cân thu nhập ghi nhận thặng dư cao kỷ lục. Trong năm ngoái, cán cân dịch vụ thâm hụt 23,02 tỷ USD, giảm 6,35 tỷ USD so với một năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô thâm hụt cán cân du lịch giảm 5,9 tỷ USD so với năm 2018. Trong năm ngoái, nguồn thu từ du lịch đạt 21,63 tỷ USD, mức cao kỷ lục nhờ lượng khách Trung Quốc và Nhật Bản tăng. Chi tiêu du lịch đạt 32,3 tỷ USD, giảm 2,83 tỷ USD so với một năm trước. Trong cán cân dịch vụ, cán cân vận tải thâm hụt 1,62 tỷ USD, thấp hơn mức 2,51 tỷ USD năm 2018.

 

Mặt khác, cán cân thu nhập (gồm lương và các khoản thu nhập từ đầu tư như cổ tức, lãi) năm 2019 thặng dư 12,2 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Khoản cổ tức các doanh nghiệp trong nước nhận từ các công ty nước ngoài tăng, nên thu nhập từ cổ tức đạt mức cao kỷ lục 22,68 tỷ USD, đưa cán cân thu nhập từ cổ tức chuyển từ thâm hụt trong năm 2018 thành thặng dư 3,31 tỷ USD trong năm 2019. Cán cân thu nhập từ lãi cũng thặng dư 9,52 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Tài sản ròng trong tài khoản tài chính, thể hiện sự ra vào của dòng vốn, tăng 60,95 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của người Hàn Quốc tại nước ngoài tăng 35,53 tỷ USD, cao thứ hai trong lịch sử. Đầu tư của người nước ngoài tại Hàn Quốc tăng 10,57 tỷ USD.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Những số liệu trên đã thể hiện rõ tình trạng đình trệ xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm ngoái. Ước tính tỷ lệ thặng dư cán cân vãng lai trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 đạt 3,5%, thấp hơn nhiều so với mức 4,1% năm 2017 và 2018. Triển vọng năm nay cũng không mấy sáng sủa. Giữa lúc dư luận đang kỳ vọng vào xu hướng hồi phục xuất khẩu từ cuối năm ngoái thì dịch viêm phổi Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) do virus corona chủng mới gây ra lại bùng phát. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, phủ mây đen lên nền kinh tế thế giới. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc lo ngại nếu dịch bệnh kéo dài thì toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể bị co hẹp, gây sức ép lớn tới xuất khẩu của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập