Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Giá tiêu dùng tháng 1 tăng trưởng mạnh nhất trong 13 tháng

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-02-10

© YONHAP News

Giá tiêu dùng tăng trên 1% do giá dầu và giá nông sản tăng


Giá tiêu dùng tháng 1 tăng hơn 1% lần đầu tiên trong khoảng một năm, làm vơi đi nỗi lo kinh tế rơi vào bẫy giảm phát. Tuy nhiên, cần thêm thời gian kiểm chứng bởi xu hướng tiêu dùng tháng 1 chưa phản ánh tác động của virus corona chủng mới. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun, phân tích tình hình giá tiêu dùng trong thời gian gần đây và triển vọng trong năm nay.  


Theo Cục thống kê Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đạt 105,79 điểm, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân là do giá dầu và giá nông sản tăng. Giá nông sản, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản tăng 2,5%. Trong số các loại rau, giá củ cải tăng tới 126%, bắp cải tăng 76%, rau diếp tăng 46%. Giá hàng công nghiệp cũng tăng 2,3%. Đặc biệt, các sản phẩm dầu mỏ tăng 12%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 7 năm 2018, giúp giá tiêu dùng tăng thêm 0,49 điểm phần trăm. Các dịch vụ tư nhân và dịch vụ khác tăng lần lượt 1,7% và 2,3%, giá dịch vụ tăng 0,8%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm cho chỉ số giá tiêu dùng.


Nguyên nhân giá tăng sau giai đoạn tăng trưởng ở mức 0%


Mức tăng 1,5% của tháng trước là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11 năm 2008 (2%). Năm ngoái, giá tiêu dùng giữ nguyên (0%) trong tháng 8, giảm 0,4% trong tháng 9, sau đó tăng 0,2% tháng 11, 0,7% tháng 12, và tăng vọt trong tháng 1 năm nay. Ông Lee In-chul giải thích.


Giá tiêu dùng tăng do ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, tỷ lệ lạm phát thấp của năm ngoái đã góp phần lớn vào hiệu ứng cơ sở do giá cả năm trước tương đối cao. Hiệu ứng cơ sở (Base Effect) là hiện tượng các chỉ số có thể bị sai lệch so với giá trị thực tế tùy theo thời điểm lấy làm căn cứ để tính các chỉ số đó. Tuy nhiên, ảnh hưởng của hiệu ứng cơ sở cũng bắt đầu có xu hướng giảm. Trên thực tế, năng suất cây trồng kém là nguyên nhân khiến giá rau tăng mạnh. Thứ hai, các chương trình phúc lợi của Chính phủ gồm giáo dục miễn phí, mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế đã phần nào khiến tỷ lệ lạm phát duy trì mức thấp, nhưng tác động này đã bắt đầu suy yếu. Thứ ba là giá dầu thế giới tăng do xung đột giữa Mỹ và Iran, trong khi giai đoạn giảm thuế nhiên liệu tạm thời của Chính phủ Hàn Quốc đã kết thúc. Có thể nói, giá nhiên liệu tăng đã khiến vật giá tăng theo. 


Nỗi lo giảm phát


Nếu giá rau và giá dầu không tăng, Hàn Quốc có thể tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát bởi nền kinh tế trì trệ. Giám đốc Lee In-chul lý giải. 


Năm 2019, giá tiêu dùng của Hàn Quốc chỉ tăng 0,4% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1965, kéo theo nỗi ám ảnh kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài như Nhật Bản. Trước đó, giá tiêu dùng ở Hàn Quốc có hai lần không tăng, không giảm, giữ mức 0%. Đó là mức 0,8% sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1999, và 0,7% sau khi Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) bùng phát năm 2015. Mức lạm phát thấp của năm 2019 là con số khá bất thường, bởi kinh tế Hàn Quốc không phải đối mặt với cú sốc lớn nào. Trên thực tế, các chỉ số kinh tế lớn đều giảm, cho thấy động lực tăng trưởng quốc gia đang giảm. Tăng trưởng tiềm năng đã giảm xuống mức 2%, xuất khẩu cũng giảm 12 tháng liên tiếp. Các doanh nghiệp sản xuất cũng chạy chưa đến 70% công suất. Dư luận tin rằng nguyên nhân đằng sau xu hướng lạm phát thấp là do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và nhu cầu nội địa yếu. 


Nguy cơ từ sự lây lan virus corona chủng mới trên toàn cầu 


Nhiều người cho rằng lạm phát càng thấp càng tốt. Tuy nhiên, nếu giá cả thấp trong thời gian dài, nền kinh tế sẽ trì trệ và rơi vào vòng luẩn quẩn: quy mô đầu tư doanh nghiệp thu hẹp, thu nhập hộ gia đình giảm và tiêu dùng trong nước trì trệ. Kịch bản tồi tệ nhất là nền kinh tế Hàn Quốc rơi vào tình trạng giảm phát như của Nhật Bản. Đầu những năm 1990, bong bóng bất động sản tại Nhật Bản sụp đổ; kinh tế Nhật Bản rơi vào giai đoạn suy thoái kéo dài, còn được gọi là “hai thập kỷ mất mát”. Do sự kìm kẹp của giảm phát, các doanh nghiệp sẽ không mặn mà đầu tư, tài sản giảm giá mạnh và người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Kết quả là nhu cầu trong nước tiếp tục giảm. May mắn là tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc đã phục hồi trở lại mức 1%, khiến dư luận phần nào vơi đi nỗi lo giảm phát. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng ảnh hưởng của virus corona chủng mới sẽ “dội gáo nước lạnh” vào đà phục hồi hiện nay, khiến giá tiêu dùng đi xuống. 

Trên thực tế, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) bùng phát năm 2003 không tác động đáng kể đến giá tiêu dùng. Khi MERS bùng phát năm 2015, giá dịch vụ liên quan đến thể thao, giải trí và văn hóa giảm vào tháng 5, tháng 6 nhưng tăng trở lại ngay trong tháng 7. Chính phủ hy vọng sự bùng phát của dịch virus corona chủng mới sẽ tác động hạn chế đến tiêu dùng như SARS và MERS. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không được nhanh chóng ngăn chặn, tình trạng chi tiêu giảm và xu hướng lạm phát thấp có thể tái diễn. Ngành công nghiệp bán lẻ đang quay cuồng với tác động của virus. Doanh số các cửa hàng bách hóa lớn trong hai ngày đầu tháng 2 đã giảm 11% so với tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của năm ngoái. Giám đốc Lee In-chul đánh giá.


Mục tiêu giá tiêu dùng tăng trưởng 1% trong năm nay?


Chính phủ và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) dự đoán giá tiêu dùng sẽ tăng trưởng trên 1% trong năm nay. Viện phát triển Hàn Quốc (KDI) dự báo tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc là 1,3% và của Tổ chức hợp tác các nước phát triển (OECD) là 1,1%. Tuy nhiên, mức ước tính này vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số dự báo 2% của BOK. Lạm phát của Hàn Quốc liên tục ở mức dưới 2% trong 14 tháng qua. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì các chương trình phúc lợi xã hội như thời điểm hiện tại, rất khó để Hàn Quốc đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Bên cạnh đó, tình hình xung đột ở Trung Đông và virus corona chủng mới lây lan trên toàn cầu có thể gia tăng áp lực giảm phát. Về trung và dài hạn, cần kích thích nhu cầu trong nước, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu giảm. 


Khi nền kinh tế đang đi đúng hướng, giá tiêu dùng thể hiện sự cải thiện đều đặn. Các doanh nghiệp tăng đầu tư và lợi nhuận, tạo ra chu kỳ tuần hoàn lành mạnh, làm tăng thu nhập, tiêu dùng và nhu cầu trong nước. Nhờ đó, nền kinh tế lấy lại động lực phát triển. Giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đã tăng hơn 1% lần đầu tiên trong 13 tháng; nhưng quan trọng hơn là phải duy trì đà tăng trưởng.

Lựa chọn của ban biên tập