Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Dân ca các vùng miền Hàn Quốc

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-02-12

Âm điệu ngàn xưa


Yukjabaegitori

Giống như tiếng địa phương đa dạng của các vùng miền, âm nhạc của mỗi địa phương cũng mang những đặc trưng riêng. Ví dụ như ở vùng Gyeonggi, các dòng dân ca Minyo như “Gyeongbokgung Taryeong” (Khúc ca Cung Gyeongbok (Cảnh Phúc)) hay “Norae Garak” đều tạo cảm giác trong sáng, còn dòng dân ca Minyo vùng Namdo thuộc các tỉnh Bắc và Nam Jeolla như Yukjabaegi hay Heungtaryeong (Bài ca hưng phấn) lại mang tới cảm giác buồn mang mác. Người Hàn Quốc gọi đặc trưng âm nhạc vùng miền là Tori. Ví dụ, dân ca Minyo vùng Seoul và Gyeonggi là Gyeongtori, còn dân ca Minyo vùng Namdo là Yukjabaegitori. Truyền rằng, xưa kia người Hàn hay nói “Nếu không biết hát một khúc Yukjabaegi thì không phải người vùng Jeolla”, với hàm ý Yukjabaegi là khúc hát được nhiều người dân vùng Jeolla ưa thích. Đây là khúc hát mang tính đại chúng cao nên ai cũng có thể hát theo. Yukjabaegi nghĩa là bài hát được cấu thành bởi khuôn nhạc 6 nhịp, ca từ thể hiện trên tiết tấu chậm làm toát lên những sắc thái oán hận sâu sắc. Khúc dân ca này có đoạn:

Hữu duyên vô phận, sao ra nông nỗi này

Đời trước đời sau, ta tội tình chi, sao ra nông nỗi này

Trời ơi! Đất hỡi! Có ai thấu hiểu tấm tình ta


Ca từ ai oán, không có điệp khúc được các nghệ sĩ hát kể chuyện Pansori hát nối nhau, và tới đoạn cuối cùng các nghệ sĩ cùng hòa bè câu “Guna he ~”, cũng là một trong những nét đặc trưng của dân ca Yukjabaegi. 


Menaritori và Susimgatori

Menaritori là dân ca vùng miền của các tỉnh Bắc và Nam Gyeongsang, Gangwon thuộc Hàn Quốc, tỉnh Hamgyeong (nay thuộc địa phận Bắc Triều Tiên) và khu vực phía Đông dãy núi Taebaek. Menari nghĩa là Sanyuhwa (Sơn hữu hoa), tên gọi chung cho các loài hoa nở trên núi. Truyền rằng ngày xửa ngày xưa, có một cô gái tên là Hyangnang. Thuở nhỏ cô bị dì ghẻ ngược đãi, đến lúc lấy chồng, cô cũng bị người chồng bạc đãi. Tủi hận, cô gieo mình xuống sông tự vẫn và để lại cho đời khúc hát Sanyuhwa. Nghe thì có vẻ tên gọi Menaritori bắt nguồn từ câu chuyện trên, nhưng trên thực tế Singosantaryeong (Khúc ca Singosan) của tỉnh Hamgyeong, Hanohbaeknyeon (500 năm) của tỉnh Gangwon, Arirang của vùng Gangwon, “Kwaejina Chingching” hay Ongheya của tỉnh Gyeongsang cũng đều được gọi là Menaritori.

Sangju Mosimgi (Gieo mạ vùng Sangju) là khúc hát tiêu biểu của dòng Menaritori, vốn là khúc ca lao động của vùng Sangju. Trong những năm 1980, khúc ca này được nhóm nhạc truyền thống Seulgidung phát hành đĩa hát, và được đông đảo khán thính giả trẻ tuổi yêu thích. 


Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, dù là nhạc cụ, nhạc khí hay lời ca đều có thể biến đổi đa dạng, mang sắc thái vùng miền nếu nhấn nhá, rung đẩy, kéo lên hoặc ngắt xuống. Đặc trưng vùng miền trong dân ca Seodo có thể kể tới dân ca tỉnh Pyeongan và tỉnh Hwanghae, tiêu biểu là Susimgatori. Susimga (Sầu tâm ca) vốn là khúc dân ca nổi tiếng của vùng Pyeongan. Nếu Yukjabaegitori hát ở tông trầm thấp và thô thì Susimgatori lại có tông trung bình, được thể hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là pha giọng mũi. Dưới thời Joseon, con đường thăng quan tiến chức của người dân vùng Seodo bị phân biệt đối xử nặng nề, và có lẽ nỗi niềm ai oán này đã thấm đượm vào từng câu hát lúc đương thời, như khúc ca Susimga (Sầu tâm ca). Khúc hát được bắt đầu bằng đoạn:

Thảm cỏ ngày càng non, thanh xuân ngày càng cội

Tháng ngày trôi đi sao quá đỗi tủi hờn


* Yukjabaegi / Seong Chang-sun và Jeon Jeong-min

Sangjumosimgi Gang Ho-jung và nhóm nhạc Seulgidung

* Susimga (Sầu tâm ca) / Kim Kwang-suk

Lựa chọn của ban biên tập