Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

WHO công bố corona-19 là “đại dịch toàn cầu” và hệ lụy kinh tế

#Tiêu điểm kinh tế l 2020-03-16

ⓒ YONHAP News

WHO tuyên bố dịch corona-19 là “đại dịch toàn cầu


Ngày 11/3, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố corona-19 là “đại dịch toàn cầu”, mức độ cảnh báo cao nhất phản ánh sự lây lan của dịch bệnh trên toàn thế giới. Tuyên bố của WHO đã ngay lập tức khiến thị trường chứng khoán toàn cầu “đỏ lửa” do nỗi lo kinh tế thu hẹp ngày một gia tăng. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị các đối sách táo bạo để kích thích nền kinh tế. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun phân tích ảnh hưởng đằng sau tuyên bố của WHO.


Tuyên bố corona-19 là “đại dịch toàn cầu” của WHO tuần trước đánh dấu lần thứ ba trong lịch sử cơ quan này đưa ra mức cảnh báo cao nhất. Trước đó, WHO đã tuyên bố “đại dịch” với dịch cúm tại Hong Kong năm 1968 và dịch cúm H1N1 chủng mới năm 2009. Trong khi các lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đang gây tổn thất nặng nề cho ngành hàng không và du lịch, tuyên bố corona-19 là đại dịch toàn cầu lại gây ra cú sốc trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lao dốc khiến nhiều chuyên gia phân tích tin rằng đang diễn ra tình trạng thị trường gấu (bear market) (hiện tượng suy giảm chung trong thị trường chứng khoán trong một khoảng thời gian), chấm dứt thời kỳ chứng khoán liên tục tăng trưởng 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009.


Dịch corona-19 đã thổi bay 2.700 tỷ USD


Ngày 11/3, ba chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ đã lao dốc. Hai ngày trước đó, một đợt bán tháo cổ phiếu đã khiến Sở giao dịch chứng khoán New York phải kích hoạt chế độ “ngừng giao dịch tự động” (circuit breaker). Ngày 12/3, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,41%, đóng cửa ở mức dưới 19.000 điểm. Ngày 13/3, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm hơn 8% trong phiên giao dịch buổi sáng, khiến các nhà điều hành thị trường buộc phải tạm ngừng các giao dịch. Nhiều ngành công nghiệp đang lo ngại tình hình có thể tồi tệ hơn trong bối cảnh những nỗ lực ngăn chặn virus corona-19 lây lan sẽ khiến nhu cầu giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu trì trệ, quy mô thương mại bị thu hẹp đáng kể. Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố cấm du lịch 30 ngày từ các nước Liên minh châu Âu, một biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của virus corona-19. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, các viện nghiên cứu đang tỏ ra bi quan với triển vọng kinh tế năm nay. Ông Lee In-chul giải thích.


Hãng Bloomberg (Mỹ) từng dự báo thế giới sẽ thiệt hại 2.680 tỷ USD nếu corona-19 trở thành đại dịch, và phải đến quý IV năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu mới có thể phục hồi. Nếu kịch bản này diễn ra, không chỉ Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà cả Mỹ sẽ có thể rơi vào suy thoái. Viện nghiên cứu kinh tế Oxford trụ sở tại London (Anh) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 2,5% xuống 2%. Ở một diễn biến liên quan, ngày 15/3, Cục Dự trữ lien bang Mỹ (FED) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất 1 điểm phầm trăm, nối tiếp lần giảm 0,5 điểm phần trăm của tháng trước.


Tăng cường “bơm tiềm” để vượt qua khủng hoảng


Theo dự đoán của Viện Brookings, nhóm chuyên gia cố vấn trụ sở tại Mỹ, nếu đại dịch corona-19 diễn biến tồi tệ như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, GDP toàn cầu có thể thiệt hại 9.000 tỷ USD. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) tại Hàn Quốc trong tháng trước chỉ đạt 99,6 điểm, giảm 0,4 điểm so với tháng trước đó, mức giảm mạnh nhất trong 25 nước thành viên của OECD đã công bố số liệu thống kê. Trong bối cảnh nguy cơ suy thoái toàn cầu hiển hiện, các quốc gia đang nỗ lực cứu vãn nền kinh tế.


Chẳng hạn, Ngân hàng trung ương Anh đã cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngày 11/3, Liên minh châu Âu cũng quyết định thành lập quỹ hỗ trợ quy mô 25 tỷ euro. Tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch corona-19, chính quyền địa phương của 7 tỉnh đã công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD cho năm nay. Nhật Bản đã tiết lộ kế hoạch khẩn cấp giải ngân 4 tỷ USD. Ngày 11/3, Ý, một tâm dịch tại châu Âu, đã tiết lộ kế hoạch đối phó quy mô 25 tỷ euro. Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố kế hoạch ngân sách bổ sung để đối phó với dịch corona-19, thêm vào đó là động thái siết chặt quy định nhằm khống chế tình trạng bán tháo cổ phiếu. Giám đốc Lee In-chul cho biết.


Chính phủ tăng cường hạn chế bán khống trong 3 tháng


Bán khống là hình thức giao dịch mà nhà đầu tư vay cổ phiếu rồi bán ra, rồi khi giá cổ phiếu xuống thấp sẽ mua lại để trả nợ, và thu lợi từ số tiền chênh lệch giá cổ phiếu. Chiến lược này được sử dụng khi các nhà đầu tư tin rằng giá cổ phiếu sẽ giảm trong tương lai gần. Do đó, giá cổ phiếu càng giảm, các nhà đầu tư càng thu được nhiều lợi nhuận. Vấn đề là phần lớn các nhà đầu tư sử dụng hình thức giao dịch này là các nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài, trong khi nhà đầu tư cá nhân chiếm chưa đến 1%. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc gần đây chứng kiến lượng bán tháo khổng lồ từ nước ngoài và các tổ chức, khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Để bình ổn thị trường, các cơ quan tài chính đã áp dụng biện pháp chỉ định lĩnh vực cấm bán khống cổ phiếu có giá trị giao dịch gấp ba lần so với những ngày bình thường khi chỉ số cổ phiếu đã giảm hơn 5%, với thời hạn 10 ngày giao dịch kể từ ngày chỉ định.


Giao dịch bán khống trung bình trong tháng này đã tăng hơn hai lần so với năm 2019. Để giảm tác động phụ, Chính phủ đã thắt chặt các quy định bán khống trong vòng ba tháng, kể từ ngày 11/3. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, lượng giao dịch bán khống đã tăng 43,6% so với một ngày trước đó. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục kiếm lời bằng bán khống trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đang chịu xu hướng suy giảm chung. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã phải quyết định cấm bán khống tất cả các cổ phiếu chỉ định trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 16/3. Các nhà phân tích đang kêu gọi Chính phủ đưa ra các biện pháp tích cực và nhanh chóng hơn nữa để đối phó với hệ lụy của dịch corona-19.

Lựa chọn của ban biên tập