Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Thú cưng ở Bắc Triều Tiên

2020-05-14

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Tại Hàn Quốc, cứ 4 hộ gia đình lại có một hộ nuôi thú cưng, số lượng chủ sở hữu thú cưng đã vượt 10 triệu người. Thị trường chăm sóc thú cưng đang phát triển nhanh chóng, Chính phủ và các tổ chức dân sự Hàn Quốc cũng đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa mới, nơi con người và thú cưng có thể chung sống vui vẻ với nhau. Thế còn ở bên kia bán đảo Hàn Quốc thì sao? Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về “động vật đồng hành”, chính là các chú thú cưng bầu bạn với con người ở Bắc Triều Tiên, cùng giáo sư Chung Eun-chan đến từ Viện Giáo dục Thống nhất thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc.


Thuật ngữ “động vật đồng hành” còn khá lạ lẫm với người dân miền Bắc

Trong tiếng Bắc Triều Tiên không có từ vựng liên quan đến “động vật đồng hành”, nhưng vẫn có từ “thú cưng”. Động vật đồng hành theo nghĩa đen thường là động vật sống cùng con người, hỗ trợ con người với tư cách bạn đồng hành. Còn từ “thú nuôi” ở miền Bắc có vẻ lại mang ý nghĩa vật nuôi thuộc sở hữu của con người, và chủ sở hữu có thể đối xử hoặc điều khiển chúng theo ý muốn.

Cụm từ “thú cưng” xuất hiện ở Bắc Triều Tiên cuối những năm 1980, khi một số người trong giới thượng lưu, trong đó có cả các quan chức của đảng Lao động cầm quyền, bắt đầu nuôi chó làm thú cưng. Cuối những năm 1990, một số cửa hàng giao dịch ngoại tệ ở Bình Nhưỡng bắt đầu bán những chú cún. Tạp chí “Thiên Lý Mã” nổi tiếng của Bắc Triều Tiên đã đăng bài phân tích loài chó có thể hỗ trợ con người về mặt cảm xúc, và lãnh đạo miền Bắc Kim Jong-il đã khuyến khích người dân nuôi chó cưng. Dần dần, số người nuôi thú cưng ở Bắc Triều Tiên bắt đầu tăng lên. Đầu những năm 2000, một số giống chó dễ thương như giống quý tộc Maltese và Shih Tzu được yêu thích đến mức người miền Bắc đã chi khoảng 500 USD để sở hữu chúng.


Nông dân phải giao nộp thịt cho Nhà nước theo chỉ tiêu hàng năm

Trong khi một số gia đình tự nguyện nuôi chó cưng, hầu hết nông dân ở Bắc Triều Tiên đều phải chăn nuôi gia súc do Nhà nước cung cấp. Các trang trại Nhà nước và trang trại hợp tác xã phân phối gia súc cho nông dân để sản xuất một lượng thịt nhất định. Do vậy, các gia đình làm nông thường thích nuôi lợn, thỏ, cừu hoặc dê hơn là chó hay mèo.

Theo báo cáo năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu ngành chăn nuôi Bắc Triều Tiên tại Đại học Konkuk, Hàn Quốc, miền Bắc có 3 triệu con thỏ trong năm 1995, đến năm 2017 đã lên tới 30 triệu con. Đây là thành quả của chiến dịch chăn nuôi gia súc. Báo cáo cũng cho biết so với miền Bắc, miền Nam nhiều gấp 4-6 lần về số lượng bò, lợn và gà, nhưng số lượng thỏ lại ít hơn 80 lần. Tại sao trong rất nhiều loài vật nuôi khác nhau, chính quyền Bắc Triều Tiên lại khuyến khích nông dân nuôi thỏ?


Tiềm năng cho hợp tác liên Triều trong lĩnh vực chăn nuôi

Trước đây, hai miền Nam-Bắc đã có các đợt hợp tác liên quan đến gia súc hết sức thành công, mặc dù các nút giao thông xuyên biên giới đã bị đình chỉ. Điển hình là dự án hợp tác chăn nuôi lợn, các trang trại lợn đã được xây dựng tại ba điểm trong khu vực núi Geumgang của miền Bắc từ năm 2005, và một nhóm hợp tác Nam-Bắc đã được thành lập để quản lý dự án. Bác sĩ thú y Hàn Quốc đã tới kiểm tra các cơ sở chăn nuôi lợn của Bắc Triều Tiên hàng tháng và đưa ra hướng dẫn khi cần thiết.

Tuy nhiên trên thực tế, dự án đã bị đình chỉ do quan hệ liên Triều không tiến triển tích cực. Hiện tại, Hàn Quốc còn không thể nắm bắt thông tin liệu các trang trại lợn ở khu vực núi Geumgang vẫn hoạt động hay không.

Hy vọng quan hệ liên Triều sẽ sớm có bước đột phá để có thể nối lại hợp tác song phương trong lĩnh vực chăn nuôi, cũng như cùng thúc đẩy văn hóa “thú cưng đồng hành”.

Lựa chọn của ban biên tập