Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lập trường của Tokyo về các vấn đề Hàn-Nhật nổi cộm trong Sách xanh Ngoại giao 2020

2020-05-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 19/5 đã trình lên Nội các nước này Sách xanh Ngoại giao 2020, trong đó công nhận Hàn Quốc là “quốc gia láng giềng quan trọng”. Tuy nhiên, Tokyo vẫn lặp lại lập trường lệch lạc về chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc. Ngay lập tức, Seoul đã lên tiếng phản đối kịch liệt những nội dung này.

 

Lập trường về các vấn đề nổi cộm trong quan hệ Hàn-Nhật

Trong Sách xanh 2020 của Tokyo, cụm từ Hàn Quốc là “quốc gia láng giềng quan trọng” đã xuất hiện trở lại sau ba năm. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường về các vấn đề nổi cộm trong quan hệ Hàn-Nhật như chủ quyền lãnh thổ với đảo Dokdo, vấn đề tên gọi của biển Đông (vùng biển nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản). Bộ Ngoại giao Nhật Bản còn khẳng định quan hệ Hàn-Nhật vẫn “tiếp diễn tình trạng khó khăn” là do các vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II, Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật (GSOMIA), phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát hành Sách xanh Ngoại giao thường niên từ năm 1957, phân tích tình hình và triển vọng ngoại giao của Tokyo cũng như nhận định về tình hình quốc tế. Do đó, các nội dung trong Sách xanh có thể coi là lập trường chính thức của Chính phủ Nhật Bản về các vấn đề nổi cộm.

 

Các nội dung cụ thể

Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản 2020 khẳng định đảo Takeshima (tên tiếng Nhật của đảo Dokdo) rõ ràng là lãnh thổ lâu đời của Nhật Bản, dù căn cứ theo sự thật lịch sử hay luật pháp quốc tế. Theo đó, Hàn Quốc đang tiếp tục chiếm cứ trái phép và cử lực lượng bảo vệ bờ biển thường trú trên đảo mà không dựa vào bất kỳ căn cứ luật pháp quốc tế nào. Tokyo đã liên tục sử dụng cụm từ “chiếm cứ trái phép” từ Sách xanh Ngoại giao năm 2018 tới nay. Về vấn đề tên gọi biển Đông, Tokyo khẳng định “biển Nhật Bản” là tên gọi duy nhất được cộng đồng quốc tế công nhận với vùng biển này, qua đó áp đặt kiến nghị của Hàn Quốc là hoàn toàn vô căn cứ. Liên quan tới vấn đề phụ nữ bị cưỡng ép mua vui thời chiến, Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh việc Hàn Quốc sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục” rõ ràng là không đúng sự thật. Seoul cũng đã xác nhận điểm này trong thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015, và nhất trí sẽ không sử dụng cụm từ này nữa. Lập trường trên bắt đầu xuất hiện trong Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản từ năm ngoái. Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đã ra sức bác bỏ nhưng Tokyo vẫn lặp lại nội dung này trong Sách xanh năm nay.

 

Ý nghĩa và đối phó của Hàn Quốc

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ngay lập tức triệu mời Công sứ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul để phản đối các nội dung sai lệch trong Sách xanh Ngoại giao của Tokyo. Bộ Ngoại giao còn ra thông cáo dưới danh nghĩa người phát ngôn, khẳng định đảo Dokdo rõ ràng là lãnh thổ lâu đời của Hàn Quốc dựa vào các căn cứ về lịch sử, địa lý, luật pháp quốc tế, qua đó yêu cầu Nhật Bản rút lại những lập luận sai lệch này.

Quan hệ Hàn-Nhật bắt đầu xấu đi từ năm ngoái sau khi Chính phủ Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc, nhằm trả đũa phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Sau đó, Tokyo còn xóa tên Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các nước được hưởng ưu đãi về quy trình cấp phép xuất khẩu. Đáp lại, Hàn Quốc cũng loại Nhật Bản khỏi “Danh sách trắng” và thông báo chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật (GSOMIA). Sau đó, nhân Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật tháng 10 cùng năm, Hàn Quốc đã quyết định kéo dài có điều kiện hiệu lực GSOMIA. Hai bên bắt đầu thảo luận cấp cao nhằm giải quyết vấn đề kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên tới hiện tại, tình hình quan hệ Hàn-Nhật vẫn chưa có tiến triển rõ rệt.

Lựa chọn của ban biên tập