Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Những thay đổi sau 6 tháng dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc

2020-07-25

Tin tức

ⓒ YONHAP News


Đã hơn 6 tháng kể từ khi Hàn Quốc phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong nước ngày 20/1, đại dịch đã làm thay đổi mạnh mẽ mọi phương diện cuộc sống của người dân Hàn Quốc, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội. Mô hình phòng dịch hiệu quả của Hàn Quốc đã trở thành điển hình về phòng dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, xu hướng lây nhiễm trong nước vẫn đang tiếp diễn.


Tình hình dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc đang trong giai đoạn lây lan đỉnh điểm trên toàn thế giới. Số ca nhiễm mới toàn cầu liên tục xác lập kỷ lục mới trong nhiều ngày qua. Tổng số ca nhiễm trên thế giới đã vượt ngưỡng 15 triệu ca, số người tử vong lên tới 630.000 người. Tính đến 10 giờ sáng 23/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 59 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong nước lên 13.938 người, với 297 ca tử vong. Hiện vẫn còn 883 người đang cách ly điều trị. Xét theo địa phương, thành phố Daegu chiếm khoảng 50% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Hàn Quốc. Đây là tâm dịch lớn nhất trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát mạnh trong nước. Tỉnh Bắc Gyeongsang chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan mạnh ở thủ đô Seoul và các địa phương lân cận. Số bệnh nhân ở Seoul chiếm 11 %, tỉnh Gyeonggi 10,6%, vượt qua cả tỉnh Bắc Gyeongsang. Hiện tại, số ca nhiễm mới đang dao động từ 30-50 ca một ngày.


Mô hình phòng dịch Hàn Quốc

Hàn Quốc trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới sau Trung Quốc trong giai đoạn đầu dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, với mô hình phòng dịch hiệu quả, Seoul đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất, kiểm soát tối đa sự lây lan của dịch bệnh.


Giám đốc Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) Jung Eun-kyeong, người đứng đầu chỉ đạo công tác phòng dịch tại Hàn Quốc, phát biểu cảm ơn người dân đã tuân thủ quy định đeo khẩu trang, cho thấy đeo khẩu trang là yếu tố then chốt để Hàn Quốc phòng dịch thành công. Ban đầu, khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, đã xảy ra tình trạng hỗn loạn vì thiếu nguồn cung khẩu trang. Nhưng sau đó Hàn Quốc đã khắc phục thành công vấn đề này bằng cách áp dụng quy định mua khẩu trang các ngày trong tuần theo số cuối năm sinh. Thêm vào đó, người dân Hàn Quốc đã tuân thủ nghiêm chỉnh hướng dẫn của cơ quan phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Các yếu tố khác giúp Seoul thành công trong cuộc chiến với đại dịch là xét nghiệm nhanh chóng và trên diện rộng, điều tra dịch tễ học chặt chẽ. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã phát triển nhanh kit xét nghiệm virus để cung cấp cho thị trường. Chính phủ thì triển khai áp dụng các phương thức xét nghiệm sáng tạo, nhanh nhất thế giới, như trung tâm xét nghiệm lưu động "Drive-thru" (tài xế có triệu chứng nghi nhiễm lái xe tới trung tâm lưu động, không cần ra khỏi xe mà chỉ cần hạ cửa sổ để nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm, toàn bộ quá trình mất khoảng 10 phút). Ngoài ra, cơ quan phòng dịch Hàn Quốc đã điều tra chặt chẽ sự di chuyển của các bệnh nhân, tiến hành khử trùng những nơi liên quan, quản lý những người tiếp xúc với bệnh nhân, ngăn chặn thành công sự lây lan của virus. Các biện pháp giãn cách xã hội của Hàn Quốc cũng được triển khai hiệu quả nhờ sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân. Điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực, cống hiến của đội ngũ nhân viên y tế, cũng như những người làm việc liên quan đến công tác phòng dịch.

 

Thay đổi và triển vọng

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, đời sống thường ngày, và cả cục diện chính trị Hàn Quốc. Trong giai đoạn đầu, nhiều dây chuyền sản xuất ô tô trong nước đã phải dừng hoạt động do các nhà máy sản xuất phụ tùng tại Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh. Sau đó, xuất khẩu gặp khó khăn do nền kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, sụt giảm mạnh trong quý I và quý II. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II năm nay giảm kỷ lục 3,3%. Hiện tại, do Chính phủ chuyển sang cơ chế phòng dịch vừa giãn cách xã hội vừa duy trì nhịp sống thường ngày, các hoạt động kinh tế đã được nối lại nhưng chỉ ở mức hạn chế vì vẫn còn lo ngại dịch bệnh tái bùng phát. Ngoài ra, Chính phủ đã chi trả khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân, mở rộng chi tiêu, lập ngân sách bổ sung giúp kích thích tiêu dùng nội địa, nhưng vẫn chưa thể cải thiện được tình trạng đình trệ xuất khẩu. Hàn Quốc đã tổ chức Tổng tuyển cử Quốc hội khóa XXI giữa lúc dịch bệnh vẫn đang lây lan phức tạp hồi tháng 4. Đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành giành quá bán số nghị sĩ, mức cao kỷ lục, cho thấy người dân đã đồng lòng, tiếp sức cho Chính phủ và phe cầm quyền đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương cho biết mặc dù dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát, nhưng tình hình hiện nay vẫn rất nghiêm trọng, Hàn Quốc cần chuẩn bị tinh thần chung sống dài hạn với dịch COVID-19.

Lựa chọn của ban biên tập