Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Xuất khẩu kimchi tăng mạnh nửa đầu năm 2020

2020-07-25

Tin tức

ⓒ gettyimagesbank


Kimchi, món ăn truyền thống của Hàn Quốc, đang ngày càng được người dân thế giới yêu thích, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu tăng đều đặn từng năm. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, lượng xuất khẩu kimchi tăng mạnh bằng 70% tổng lượng xuất khẩu của cả năm 2019.


Kết quả xuất khẩu kimchi

Theo số liệu của Tổng công ty thương mại nông thủy sản và thực phẩm Hàn Quốc (aT), trong 6 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã xuất khẩu 20.259 tấn kimchi, bằng 68,3% lượng xuất khẩu cả năm 2019. Xuất khẩu kimchi đang có xu hướng tăng đều đặn mỗi năm, từ 23.490 tấn năm 2016 lên 29.529 tấn năm 2019. Thị trường tiêu thụ kimchi lớn nhất là Nhật Bản. Trong năm ngoái, Hàn Quốc xuất khẩu 15.949 tấn kimchi sang Nhật. Lượng xuất khẩu nửa đầu năm nay đạt 10.349 tấn, tương đương 63,9% cả năm ngoái. Như vậy, Nhật Bản chiếm một nửa lượng kimchi Hàn Quốc xuất khẩu ra toàn thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn khác dù chưa thể so sánh với Nhật Bản về số lượng nhưng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ gần đây là Mỹ, Australia, Hong Kong, Đài Loan. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu sang Mỹ đạt 3.024 tấn, Australia 1.112 tấn, Hong Kong 1.022 tấn, Đài Loan 887 tấn, bằng từ 71-81% lượng xuất khẩu cả năm ngoái.


Các hãng xuất khẩu kimchi lớn

Các đơn vị xuất khẩu kimchi lớn của Hàn Quốc là Daesang, CJ CheilJedang, Pulmuone. Mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất là “Kimchi Jongga Jip” của công ty Daesang với kim ngạch tăng mạnh hàng năm, từ 26 triệu USD năm 2015 lên 43 triệu USD năm 2019. Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Daesang đạt 30 triệu USD, chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu kimchi của Hàn Quốc. Hãng Daesang hiện đang xuất khẩu kimchi sang hơn 40 quốc gia. Tháng 8 năm nay, công ty này sẽ khởi động nhà máy sản xuất kimchi ở Trung Quốc, đặt mục tiêu đưa kimchi tới người dân toàn thế giới. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ở Mỹ trong năm nay.


Trong khi đó, hãng CJ CheilJedang nổi tiếng với mặt hàng “Kimchi cuộn Bibigo”, được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Singapore, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines. Đặc biệt, từ năm 2018, CJ CheilJedang sản xuất trực tiếp kimchi tại Việt Nam, có điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị của người bản địa. Phía công ty cho biết lượng xuất khẩu nửa đầu năm nay tăng 30%, trong đó xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh nhất. Còn công ty Pulmuone được biết đến nhiều nhất với mặt hàng “Kimchi Nasoya”. Hiện tại, mặt hàng này đang được bán tại hơn 10.000 cửa hàng phân phối, trong đó có cả chuỗi siêu thị Walmart của Mỹ.


Đưa kimchi ra toàn thế giới

Trước đây, người tiêu thụ kimchi ở các nước trên thế giới chủ yếu là người Hàn sống tại quốc gia đó. Tuy nhiên gần đây, đông đảo người dân bản địa các nước cũng ưa chuộng kimchi, món ăn lên men tiêu biểu của Hàn Quốc đã được chứng minh có nhiều công dụng cho sức khỏe. Xu hướng tăng mạnh xuất khẩu kimchi gần đây cho thấy món ăn truyền thống Hàn Quốc đang nắm bắt được khẩu vị của người dân thế giới. Đặc biệt, trong năm nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu kimchi tăng mạnh do món ăn này nổi lên như một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe trong thời kỳ dịch COVID-19. Kimchi được xếp vào mặt hàng tươi sống, do sau khi muối xong, sản phẩm tiếp tục quá trình lên men, vị thay đổi. Trước đây, quá trình lên men này là điểm yếu của kimchi trong việc bảo quản, lưu thông. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp đã phát triển được công nghệ đóng gói, bảo quản, vận chuyển, nên sản phẩm kimchi bây giờ có thể duy trì được chất lượng, mùi vị tốt nhất, tạo đà cho các doanh nghiệp tăng mạnh xuất khẩu. Khai thác sức hút của kimchi, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của châu Âu cũng đang nhảy vào thị trường này, như sản xuất kimchi phù hợp với khẩu vị người bản địa, hay sản xuất các loại nước sốt sử dụng kimchi. 

Lựa chọn của ban biên tập