Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

WTO lập Ban hội thẩm giải quyết tranh chấp thương mại Hàn-Nhật

2020-08-01

Tin tức

ⓒ Getty Images Bank

Trong cuộc họp thường kỳ ngày 29/7, Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã quyết định thành lập Ban hội thẩm theo đề nghị của Chính phủ Hàn Quốc, nhằm giải quyết tranh chấp với Nhật Bản về việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu với Seoul. Như vậy, mâu thuẫn thương mại giữa hai nước Hàn-Nhật đã chính thức trở thành cuộc chiến pháp lý tại WTO.


Lập trường của chính phủ hai nước

Tại cuộc họp cùng ngày, phía Hàn Quốc khẳng định biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu của Nhật Bản mang động cơ chính trị, gây thiệt hại cho Seoul và hỗn loạn chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, Seoul chỉ rõ các đơn hàng xuất khẩu ba mặt hàng nhựa nhiệt dẻo, khí ăn mòn, chất cản màu sang Hàn Quốc đã bị Chính phủ Nhật Bản trì hoãn không cần thiết. Đây là những vật liệu sử dụng trong sản xuất màn hình, chíp bán dẫn, không chỉ quan trọng với Hàn Quốc mà còn với ngành công nghiệp điện tử toàn thế giới. Biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu của Tokyo đang gây hỗn loạn chuỗi giá trị toàn cầu, và rõ ràng mang động cơ chính trị, bị nghiêm cấm theo hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới.


Trong cuộc họp tháng trước của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO, vấn đề thành lập Ban hội thẩm cũng đã được đưa ra thảo luận, nhưng không thể thông qua do nước bị kiện là Nhật Bản phản đối. Tuy nhiên theo quy định của WTO, Ban hội thẩm sẽ tự động được thành lập trong cuộc họp tiếp theo, trừ khi tất cả các nước thành viên đều phủ quyết.


Quá trình mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật

Tháng 7 năm ngoái, nhằm phản đối phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, Chính phủ Tokyo tuyên bố siết chặt quy chế xuất khẩu với ba mặt hàng nhựa nhiệt dẻo, khí ăn mòn và chất cản màu. Theo đó, doanh nghiệp Nhật Bản muốn xuất khẩu ba mặt hàng này sang Hàn Quốc sẽ phải xin Chính phủ Tokyo phê duyệt với từng đơn hàng riêng biệt, thay vì được cấp phép toàn bộ một lần như trước. Trên thực tế, đây chính là biện pháp trả đũa của Tokyo với phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc. Không dừng lại ở đó, tháng 8 cùng năm, Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi về đơn giản hóa quy trình xuất khẩu. Đáp lại, Hàn Quốc cũng loại Nhật Bản khỏi “Danh sách trắng” của nước mình, thông báo chấm dứt hiệu lực Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, và khởi kiện Tokyo lên Tổ chức thương mại thế giới. Tuy nhiên, ngày 22/11 năm ngoái, Chính phủ Hàn Quốc quyết định hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực hiệp định GSOMIA và dừng quy trình khởi kiện Nhật Bản lên WTO, nhằm giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại.


Sau đó, quan chức thương mại hai nước đã nhóm họp để giải quyết mâu thuẫn nhưng vẫn không đạt tiến triển. Phía Hàn Quốc đã cải thiện chế độ kiểm soát xuất khẩu, lý do Tokyo nêu ra khi siết chặt quy chế xuất khẩu, đồng thời yêu cầu Nhật Bản đưa ra phương án giải quyết tới cuối tháng 5. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Do vậy, ngày 2/6, Chính phủ Hàn Quốc quyết định nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO. Ngày 18/6, Seoul gửi đơn đề nghị thành lập Ban hội thẩm tới Ban thư ký WTO và Phái đoàn đại diện thường trực Nhật Bản tại Geneva (Thụy Sĩ).


Các quy trình tiếp theo và triển vọng

Do WTO đã thành lập Ban hội thẩm, quy trình tiếp theo sẽ là lựa chọn ba ủy viên phụ trách quá trình hội thẩm. Các ủy viên sẽ được quyết định dựa trên thảo luận của hai quốc gia đương sự. Thời gian từ khi thành lập Ban hội thẩm tới khi có phán quyết thường mất từ 10 đến 13 tháng. Quốc gia bị kiện có thể kháng nghị về phán quyết của Ban hội thẩm lên Cơ quan phúc thẩm của WTO. Tuy nhiên, cơ quan này trên thực tế đã bị tê liệt từ tháng 12 năm ngoái do Mỹ trì hoãn bổ nhiệm thẩm phán mới, nên vẫn chưa thể chắc chắn về quy trình phúc thẩm.


Phía Chính phủ Nhật Bản bày tỏ thất vọng sâu sắc và lấy làm tiếc về việc WTO thành lập Ban hội thẩm, hy vọng có thể giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại với Hàn Quốc. Mặt khác, Tokyo cũng tuyên bố sẵn sàng phòng ngự, khẳng định tính chính đáng khi áp dụng biện pháp siết chặt quy trình xuất khẩu với Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập