Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chiến lược xúc tiến trung hòa carbon 2050

2020-12-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc ngày 7/12 đã công bố “Chiến lược xúc tiến trung hòa carbon 2050”, đề ra phương hướng chính sách và các bài toán cụ thể theo từng lĩnh vực, nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon xuống bằng “0” cho tới năm 2050.

 

Ba phương hướng chính sách

Chiến lược xúc tiến mà Chính phủ công bố bao gồm ba phương hướng chính sách lớn, đó là xây dựng cơ cấu kinh tế carbon thấp, thiết lập hệ sinh thái ngành công nghiệp carbon thấp tiềm năng mới, chuyển đổi một cách công bằng sang xã hội trung hòa carbon.

 

Về phương hướng “xây dựng cơ cấu kinh tế carbon thấp”, Chính phủ đưa ra các chiến lược cụ thể là đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, đổi mới cơ cấu các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon, chuyển đổi sang di chuyển thông minh tương lai, đô thị carbon thấp. Đơn cử như việc tăng tốc chuyển đổi xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong sang xe ô tô thân thiện môi trường; chuyển đổi cơ cấu kinh tế các lĩnh vực như công trình, nhà máy phát điện, vận chuyển hàng hóa theo hướng phát thải carbon thấp. Liên quan đến “thiết lập hệ sinh thái công nghiệp carbon thấp”, đây là sáng kiến phát triển các ngành công nghiệp trọng tâm như pin thế hệ mới nhằm đạt được năng lực cạnh tranh toàn cầu ở ngành công nghiệp carbon thấp, dự kiến sẽ trở thành xu thế kinh tế thế giới trong tương lai. Ngoài ra, để “chuyển đổi một cách công bằng sang xã hội trung hòa carbon”. Chính phủ đề ra mục tiêu là bảo vệ các ngành công nghiệp, tầng lớp yếu thế, thực hiện trung hòa carbon tại các địa phương, nâng cao nhận thức toàn dân về xã hội trung hòa carbon. Chính phủ nhận định một số ngành công nghiệp và người lao động sẽ không tránh khỏi bị thiệt hại trong quá trình chuyển đổi sang cơ cấu kinh tế-xã hội carbon thấp. Chính phủ dự báo sẽ có tổng cộng 2.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô động cơ đốt trong cùng 250.000 người lao động sẽ bị thiệt hại do sự phổ biến của xe ô tô thân thiện môi trường. Do đó, Chính phủ có kế hoạch hỗ trợ vốn, nghiên cứu và phát triển, sáp nhập và mua lại cho các doanh nghiệp để khuyến khích điều chỉnh cơ cấu kinh doanh, đào tạo lại cho người lao động ở các doanh nghiệp này, hỗ trợ chuyển đổi sang hệ thống công nghiệp mới.

 

Bối cảnh

Trung hoà carbon giờ đây không còn là lựa chọn mà là điều tất yếu trên toàn cầu. Mục tiêu trung hòa carbon cho tới năm 2050 của Hàn Quốc không phải là điều xa xôi, mà là một xu thế chung không thể đảo ngược của kinh tế thế giới. Theo đó, nếu Hàn Quốc không đón đầu được xu thế thời đại này thì sẽ bị mất năng lực cạnh tranh toàn cầu trong tương lai. Trước đó, khi phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 28/10, và khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ngày 22/11, Tổng thống Moon Jae-in đã công bố mục tiêu trung hòa carbon cho tới năm 2050, đưa lượng phát thải carbon xuống bằng 0.

 

Hiện tại, các quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức cũng đang tham gia vào mục tiêu trung hòa carbon cho tới năm 2050, nỗ lực giảm lượng phát thải carbon. Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc năm 2018 từng khuyến nghị các nước nỗ lực trung hòa carbon. Theo khuyến nghị này, các nước tham gia Hiệp định biến đổi khí hậu Paris phải đề ra tầm nhìn và phương án xúc tiến liên quan.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Chiến lược xúc tiến của Chính phủ Hàn Quốc bao gồm các phương án cụ thể như xúc tiến nghiên cứu và phát triển lĩnh vực liên quan như xe ô tô điện, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, xây dựng nhà máy thông minh và khu công nghiệp xanh, bồi dưỡng các ngành công nghiệp mới carbon thấp triển vọng như pin thứ cấp, sinh học, hydro xanh. Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chiến lược đa dạng bao quát các lĩnh vực như năng lượng, di động, như phổ cập sạc ô tô điện cho 20 triệu hộ gia đình, thiết lập hơn 2.000 trạm sạc hydro, xây dựng thành phố trung hòa carbon. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có khá nhiều khó khăn trong quá trình xúc tiến chiến lược trên. Các doanh nghiệp đồng tình về phương hướng chung, nhưng cho rằng Chính phủ nên điều chỉnh tốc độ triển khai. Một số ý kiến khác cho rằng đây chỉ là một chiến lược mang tính lý thuyết, chưa có phương án thực hiện cụ thể, Chính phủ phải điều chỉnh thêm về chiến lược và phương pháp luận.

Lựa chọn của ban biên tập